Vĩnh Long điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học vì nCoV

Vĩnh Long điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học vì nCoV

Theo đó, kế hoạch cũ, giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long bắt đầu thực hiện học kỳ II từ 6/1/2020 đến 22/5/2020; giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên từ 30/12/2019 đến 23/5/2020.

Nay Sở GD&ĐT đã lùi thời gian thực hiện học kỳ II đối với giáo dục mầm non, tiểu học là từ 6/1/2020 đến hết 29/5/2020, vẫn đảm bảo đủ 17 tuần thực học; giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên từ 30/12/ đến hết 30/5, vẫn đảm bảo đủ 18 tuần thực học.

Trên cơ sở điều chỉnh thời gian, căn cứ công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH năm 2017 của Bộ GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo tổ chuyên môn rà soát, điều chỉnh kế hoạch giáo dục cho từng môn học.

Đồng thời, tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch giáo dục chung của nhà trường trong học kỳ II, báo cáo cơ quan quản lý giáo dục theo phân cấp; theo dõi, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch của tổ chuyên môn; chú trọng các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục…

“Nội dung này đã được Sở GD&ĐT nêu rõ trong văn bản của Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác chuyên môn trong và sau thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nCoV” - bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho hay.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Quyên Thanh kiểm tra công phòng chống dịch nCoV tại trường học.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Quyên Thanh kiểm tra công phòng chống dịch nCoV tại trường học. 

Trong thời gian tạm nghỉ học, thủ trưởng các đơn vị có phương án duy trì liên lạc thường xuyên giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh.

Cùng với đó, chỉ đạo tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn biên soạn nội dung ôn tập, giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn học sinh tự học và trao đổi, sửa chữa kết quả tự học của học ính qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tế (như trường học kết nối, SMAS, facebook, zalo…).

Khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống dịch nCoV.

Riêng đối với khối 9, ngoài những nội dung trên, có thể chuyển đến học sinh nội dung ôn thi tuyển sinh lớp 10 các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh (phần kiến thức học kỳ I); học sinh khối 12 có thể chuyển thêm nội dung ôn thi THPT quốc gia (phần kiến thức học kỳ I và những bài đã học ở học kỳ II).

“Sở GD&ĐT cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh theo nguyên tắc bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định hiện hành, không được cắt xén. Sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của đơn vị để tổ chức học bù cho học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức một số buổi học bù vào thứ 7, chủ nhật” – bà Nguyễn Thị Quyên Thanh chia sẻ.

Cũng trong văn bản này, Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường tiếp tục theo dõi, tiếp nhận thông tin chính thức từ Sở GD&ĐT và các cơ quan chức năng; chủ động các biện pháp phòng, chống; tuyệt đối không được chủ quan; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng, chống dịch bệnh để đón học sinh trở lại trường học, bảo đảm tuyệt đối về sức khỏe và tinh thần của giáo viên, học sinh.

Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã có quyết định thành lập các tổ kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục. Theo đó, có 4 tổ, mỗi tổ gồm 4 thành viên, được phân công kiểm tra, giám sát từng địa bàn cụ thể của tỉnh Vĩnh Long.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ