Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Oslo về Giáo dục vì sự phát triển

GD&TĐ - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Na Uy, được sự ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 6 - 7/7, GS.TS Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Giáo dục vì sự phát triển tại Oslo (Na Uy).

Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Oslo về Giáo dục vì sự phát triển

Hội nghị do Chính phủ, Bộ Ngoại giao Na Uy chủ trì tổ chức, phối hợp với LHQ và tổ chức Đối tác giáo dục toàn cầu (GPE). 

Tham dự Hội nghị có hơn 400 đại biểu, với đông đảo đại biểu quốc tế cấp cao, trong đó có Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Đặc phái viên về Giáo dục toàn cầu của Liên Hợp Quốc và là đồng chủ tọa Hội nghị Gordon Brown (cựu Thủ tướng Anh), Chủ tịch Hội đồng quản trị của GPE Julia Gilard (cựu Thủ tướng Australia); đại diện của Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức khu vực, nhiều đại diện của khu vực tư nhân, các tổ chức dân sự.

Tăng cường tài trợ cho giáo dục vì sự phát triển

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, người đi đầu trong sáng kiến toàn cầu thúc đẩy tăng cường tài trợ cho giáo dục vì sự phát triển ngay từ khi lên lãnh đạo Chính phủ Na Uy tháng 10/2013, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị đã đặc biệt nhấn mạnh cần phải tăng cường huy động các nguồn lực quốc tế và trong nước để phát triển giáo dục cho tất cả trẻ em và thanh niên, đặc biệt là giáo dục cho trẻ em gái, trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn.

Hội nghị tập trung thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường tài trợ cho giáo dục vì sự phát triển với 4 nội dung chính: Tăng đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nhằm bảo đảm giáo dục cho tất cả trẻ em; chú trọng giáo dục cho trẻ em gái; nâng cao chất lượng dạy và học, và thúc đẩy giáo dục trong trường hợp khẩn cấp và khủng hoảng.

Tại phiên trao đổi hẹp do Bộ Ngoại giao Na Uy chủ trì, Bộ trưởng giáo dục các nước tham dự Hội nghị đã tập trung trao đổi sâu về việc làm thế nào để sử dụng nguồn vốn ODA nhằm hỗ trợ cho việc bảo đảm chất lượng học và dạy trong khi nguồn đầu tư trong nước về giáo dục có hạn.

Việt Nam sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ ODA góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Na Uy Erna Solberg và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, đồng thời có các cuộc họp trao đổi song phương với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Nghiên cứu, Bộ Ngoại giao Na Uy và Đại học Oslo nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã chia sẻ những kinh nghiệm, thành công của Việt Nam về phát triển giáo dục đào tạo, chính sách và sự đầu tư của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục phục vụ phát triển kinh tế xã hội và việc Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA với vai trò xúc tác để cải thiện chất lượng dạy và học ở Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, Việt Nam đã triển khai đường lối đúng đắn về phát triển giáo dục, coi giáo dục là hàng đầu, có chính sách phát triển đội ngũ giáo viên và bước đi phù hợp về phổ cập giáo dục theo từng giai đoạn; chia sẻ những chính sách, định hướng của Chính phủ Việt Nam về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng nêu bật những thành tựu về phổ cập giáo dục, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, trẻ em ở những vùng khó khăn, về đầu tư đổi mới nâng cao chất lượng giáo viên và giảng viên, đổi mới chương trình giảng dạy và sách giáo khoa. 

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đánh giá cao và bày tỏ cám ơn sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế về hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, trong đó có Na Uy và Liên Hợp Quốc, góp phần đạt được những thành tựu phát triển giáo dục và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua.

Những đề xuất về định hướng tài trợ giáo dục vì sự phát triển đến năm 2030

Tại phiên bế mạc, Hội nghị đã đưa ra “Tuyên bố Oslo” bao gồm những đề xuất về định hướng tài trợ giáo dục vì sự phát triển đến năm 2030. Một Ủy ban Tài trợ toàn cầu về giáo dục được công bố thành lập với mục đích thúc đẩy kêu gọi các khoản viện trợ, các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục trên toàn cầu, kể cả huy động các nguồn lực trong nước, viện trợ ODA, đối tác phi truyền thống và tài trợ của khu vực tư nhân.

Các phát biểu của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Na Uy và các thảo luận tại Hội nghị đều nêu bật thông điệp: Cần tăng cường các nguồn lực tài trợ cho giáo dục, không có giáo dục thì không có phát triển và phát triển giáo dục là nền tảng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. 

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, đoàn Việt Nam và các đoàn đại biểu quốc tế khác tham dự Hội nghị đều đánh giá cao nỗ lực và vai trò đi đầu của Na Uy trong việc thúc đẩy tăng cường tài trợ cho giáo dục trên toàn cầu vì sự phát triển.

Các kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Oslo và Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về tài trợ vì sự phát triển tại Addis Ababa sắp tới sẽ được đưa vào Chương trình nghị sự về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau năm 2015 của Liên Hợp Quốc, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 9 tới tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, New York.

Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Oslo về Giáo dục vì sự phát triển ảnh 1Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Oslo về Giáo dục vì sự phát triển ảnh 2Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Oslo về Giáo dục vì sự phát triển ảnh 3Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Oslo về Giáo dục vì sự phát triển ảnh 4Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Oslo về Giáo dục vì sự phát triển ảnh 5Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Oslo về Giáo dục vì sự phát triển ảnh 6

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.