Việt Nam khẳng định cam kết mạnh mẽ để khắc phục thẻ vàng IUU

Chiều 28/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), do ông Roberto Cesari, Trưởng Bộ phận IUU (Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản) làm Trưởng đoàn.

Chào mừng Đoàn thanh tra đến làm việc tại Việt Nam, Phó Thủ tướng nêu rõ, Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển. EU là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ 5, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 và nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam.

Đặc biệt từ sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), thương mại hai chiều Việt Nam - EU tăng nhanh, đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. EU là một trong những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Tổng số dự án đầu tư trực tiếp của EU còn hiệu lực tại Việt Nam là 2.332 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 27,5 tỷ USD.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao những khuyến nghị của Tổng Vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản nhằm hỗ trợ Việt Nam trong công tác xử lý vấn đề đánh bắt IUU. Hầu hết các khuyến nghị này phù hợp với chủ trương quản lý nghề cá có trách nhiệm và hướng tới mục tiêu phát triển nghề cá bền vững.

Theo Phó Thủ tướng, chính sách và định hướng của Việt Nam là khuyến khích ngư dân đăng ký ngành nghề khai thác thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững. Việt Nam đang rất tích cực triển khai hoạt động bảo tồn biển, thả giống, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; triển khai cấp hạn ngạch giấy phép khai thác, đã có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn để từng bước giảm cường lực khai thác cân bằng với nguồn lợi thuỷ sản.

Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã và đang nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị của EC đối với việc đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU hướng tới phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm, có kiểm soát. Việt Nam khẳng định lại cam kết mạnh mẽ và thể hiện nỗ lực của các cấp quản lý cùng với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm ngăn chặn, chấm dứt và tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác IUU.

Tuy nhiên, nghề cá Việt Nam là nghề cá nhiệt đới, đa loại, diễn biến ngư trường trên Biển Đông chịu sự tác động của nhiều yếu tố; nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế. Do vậy, chống khai thác IUU cần có nhiều nỗ lực, lộ trình và thời gian để đạt được mục tiêu chấm dứt và loại bỏ tình trạng khai thác IUU một cách bền vững.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị EC và các nước thành viên EU tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ kĩ thuật kịp thời, tính tới yếu tố đặc thù của nghề cá Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU. Đề nghị EC ghi nhận các nỗ lực chống khai thác IUU và các kết quả tích cực Việt Nam đã đạt được và sớm gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng cho Việt Nam.

Ông Roberto Cesari, Trưởng bộ phận khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của EC phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ông Roberto Cesari, Trưởng bộ phận khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của EC phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Khẳng định chống khai thác IUU là ưu tiên ngày càng cao trong chương trình nghị sự của EU, ông Roberto Cesari cho rằng, với cách tiếp cận không khoan nhượng với khai thác IUU, EU coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác của cả khối và từng quốc gia thành viên với các nước đối tác.

Đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc huy động cả hệ thống chính trị thực hiện các biện pháp quyết liệt, bài bản chống khai thác IUU thời gian qua. Qua thực tế kiểm tra ngẫu nhiên tại các địa phương ven biển, đoàn công tác đã được chứng kiến những tiến bộ, cải thiện đáng kể trong triển khai thực hiện chống IUU. Đoàn ghi nhận những bước tiến lớn trong việc minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nghề cá tại 28 địa phương có biển.

Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đoàn công tác cho rằng, Việt Nam đã có sự quyết liệt ở cấp Trung ương, ban hành nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để chống khai thác IUU, nhưng việc triển khai thực hiện ở cấp cơ sở vẫn còn yếu. Trong thời gian tới, Việt Nam cần có cơ chế giám sát hiệu quả với những quy định pháp lý chặt chẽ, đảm bảo thực thi nhất quán, đồng bộ từ trung ương đến địa phương; nâng cao chế tài, đảm bảo đủ sức răn đe, xử phạt thật nghiêm mọi vi phạm. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch quản lý nguồn lợi thủy sản tổng thể, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu; chấm dứt hẳn tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Dự kiến trong thời gian 6 tháng, đoàn công tác sẽ tiếp tục có chuyến kiểm tra, đánh giá tại Việt Nam.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

GD&TĐ - Kiev cho rằng, bản chất của cuộc xung đột ở Ukraine là Nga muốn kiểm soát các vùng giàu tài nguyên thiên nhiên như Lithium và đất hiếm, của Ukraine.