Báo cáo với đoàn công tác Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại buổi làm việc, đại diện địa phương Hòa Khánh Bắc cho biết, tổ dân phố nơi bệnh nhân T.V.D sinh sống là 66 hộ dân, mở rộng vùng có nguy cơ ảnh hưởng là 132 hộ dân.
Ngay sau khi nghe báo cáo, PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, mặc dù chưa biết bệnh nhân có nhiễm COVID-19 hay là không, tuy nhiên chúng ta phải hành động như là bị dương tính SARS-CoV-2. Quan điểm chống dịch là phải nhanh.
PGS.TS Trần Như Dương yêu cầu phải lập danh sách 132 hộ dân sinh sống nơi đây. Ngành y tế và chính quyền địa phương phải theo dõi tình hình sức khỏe của tất cả người dân sống trong 132 hộ này.
“Vì đây là nơi tương đối biệt lập. Theo dõi sức khỏe một cách chủ động để nắm bắt tình hình trong khu vực. Xin khẳng định với người dân là đây không phải cách ly hay phong tỏa. Đây chỉ là theo dõi sức khỏe một cách chủ động, chính quyền và ngành y tế phải có trách nhiệm việc này”, PGS.TS Trần Như Dương cho hay.
Bên cạnh đó, PGS.TS yêu cầu cần lập 5 tổ chức năng, thành viên trong tổ là những người sống tại nơi đó: Hội cựu chiến binh, hội phụ nữ... để từ đó chia danh sách các tổ khoảng 25- 30 hộ để quy trách nhiệm quản lý.
PGS.TS Trần Như Dương cho rằng, các tổ này nhận danh sách gia đình mình phụ trách, nhiệm vụ hằng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, biết tất cả thành viên của các hộ gia đình. Có bao nhiêu người đang sinh sống tại đây. Nắm bắt chủ động, về sức khỏe của tất cả thành viên vì đây là điểm dịch tễ rất quan trọng. Để từ đó tuyên truyền, nắm bắt tinh thần tư tưởng người dân, động viên nhau yên tâm. Những tổ này là cánh tay nối dài của chính quyền, ngành y tế để tuyên truyền vận động nhân dân từng hộ gia đình để người dân chống dịch tốt hơn.
“Đặc biệt, nắm bắt chặt chẽ tình hình sức khỏe từng người trong các hộ gia đình tại đây. Để từ đó, nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường thì lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 và tiến hành các biện pháp cần thiết. Đây là việc rất quan trọng. Những tổ này phải được trang bị nhiệt kế cầm tay điện tử loại tốt. Đây không phải khoanh vùng, không phải cách ly, mà là giám sát chủ động thông qua các tổ cộng đồng”, PGS.TS Trần Như Dương nói.
Đồng thời, PGS.TS Trần Như Dương cũng đề nghị Trung tâm y tế quận phải cử bác sĩ đa cắm chốt ở địa phương, giúp đỡ cán bộ các tổ ở địa phương, nếu có dấu hiệu thì lập kế hoạch lấy mẫu, cách ly nếu có sự việc.
PGS.TS Trần Như Dương cho rằng, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng trách nhiệm” và phải quyết liệt, phải làm thật, không làm giả dối. Những người được chọn vào tổ COVID thì phải là những người cùng làng, cùng xã, để có trách nhiệm có hiệu quả, để không bỏ sót bất cứ một ai. Trong trưa 25/7, Viện sẽ tiến hành tập huấn cho các tổ để vào làm việc.
“Khi các tổ đi vào làm việc, những tổ này phải lập nhóm zalo với tên gọi là “Tổ zalo COVID hộ gia đình” để dễ dàng báo cáo. Và báo cáo đơn giản, không cần phải rườm rà. Hằng ngày báo cáo lên phường, lên Trung tâm y tế quận, Trung tâm kiểm soát bệnh tật và Sở Y tế Đà Nẵng. Hoạt động phải có chặt chẽ, có hiệu quả, có hệ thống và tin cậy”, PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Như Dương cũng yêu cầu phường Hòa Khánh Bắc phải tuyên truyền thật mạnh việc chống COVID-19, và tuyên truyền các hộ những ai có sốt có ho hay đau họng thì không được đi khám ở đâu khác, phải khám đầu tiên ở trạm y tế phường, để ngăn chặn việc đi sang địa phương khác. Bên cạnh đó, Trung tâm y tế quận phải cử bác sĩ đa khoa về trạm y tế phường để giúp đỡ bà con nơi đây.