Căm ghét người giàu
Tối ngày 16/9/1994, sau khi đọc báo cáo về vụ mất tích của cặp vợ chồng trung niên tương đối khá giả, ông Go Byeong-chan, đội trưởng đội cảnh sát Seoul, nhận được tin nhắn cầu cứu của người quen. “Đội trưởng, hãy đến quán Seonchoseo. Một chuyện khủng khiếp đang xảy ra”, tin nhắn viết.
Viên cảnh sát vội vàng lao đến quán cà phê mà không biết ông sắp phải đối mặt với một trong những vụ án chấn động nhất lịch sử Hàn Quốc.
Tại quán cà phê, ông Byeong-chan gặp một người phụ nữ kì lạ tên là Lee Jeong-su. Người này trông rũ rượi, cánh tay đầy vết xước còn quần áo bị rách toạc. Cô nói vừa trốn thoát khỏi một nhóm tội phạm có vũ trang.
Jeong-su kể về những vụ bắt cóc, giết người, một phòng giam dưới tầng hầm đẫm máu. Trông người phụ nữ có vẻ hoảng loạn và điên cuồng nên ông Byeong-chan nghĩ rằng cô đang phê ma tuý. Họ kiểm tra vết kim tiêm trên người cô nhưng không thấy.
Cho đến khi Jeong-su kể về một cặp vợ chồng trung niên bị bắt cóc ở Seoul và bị sát hại trong phòng giam dưới tầng hầm, viên cảnh sát nhận ra người phụ nữ này biết những chi tiết về vụ mất tích chưa được công bố rộng rãi. Điều này đồng nghĩa Jeong-su đang nói sự thật.
Trong 2 ngày sau đó, ông Byeong-chan đã đối chiếu lời khai của Jeong-su với hồ sơ lưu trữ của cảnh sát và lập hồ sơ về những kẻ bắt cóc.
Mọi chuyện bắt đầu từ mùa hè năm 1993. Khi cùng sinh viên Kim Hyun-yang, 23 tuổi, và cựu tù nhân Moon Sang-rok, 23 tuổi, chơi bài, Kim Gi-hwan, 27 tuổi, bày tỏ thái độ căm ghét người giàu và muốn trừng phạt họ sau khi xem một bản tin về nạn tham nhũng trong các kỳ thi đại học.
Gi-hwan đã bỏ học từ năm lớp 7 vì gia đình phá sản và phải đi làm thuê trong các nhà máy ở Seoul, Busan để kiếm thêm thu nhập. Sự căm ghét của hắn ta đối với giới nhà giàu đã nhận được sự hưởng ứng từ Hyun-yang và Sang-rok. Cả ba quyết định thành lập băng nhóm với ba “tôn chỉ” gồm ghét người giàu, kẻ phản bội nhóm sẽ bị giết và không bao giờ tin tưởng phụ nữ, thậm chí là mẹ ruột.
Được chọn làm thủ lĩnh, Gi-hwan đặt tên nhóm là Mascan – một từ không có nghĩa nhưng hắn nhầm tưởng là “tham vọng” trong tiếng Hy Lạp. Sau này, các công tố viên gọi băng nhóm là Chijon Family hay Chí Tôn Phái theo tiếng Hán.
Mục tiêu của băng nhóm Chijon là tích luỹ tổng cộng một tỷ won, tương đương 1,25 triệu USD vào thời điểm đó thông qua bắt cóc và tống tiền.
Trong những tuần tiếp theo, chúng lôi kéo những người lao động nghèo khó tại các công trường xây dựng. Từng ngồi tù vì tội trộm cắp, Sang-rok đã thuyết phục hai cựu tù nhân khác là Baek Byung-ok, 20 tuổi, và Kang Dong-un, 21 tuổi, cùng tham gia.
Kang Moon-sub, 20 tuổi, và Song Bong-un, 18 tuổi, là hai thành viên gia nhập cuối cùng. Sau khi tất cả cam kết thực hiện theo tôn chỉ của băng nhóm, Gi-hwan yêu cầu mọi người góp tiền mua vũ khí tại chợ đen.
Sau nhiều tháng tiết kiệm, chúng mua được 6 khẩu súng trường, một súng tiểu liên, một súng tự vệ tầm ngắn, một súng lục, một thanh kiếm, một con dao săn, một gậy kích điện gia súc và thuốc nổ.
Số tiền thừa được dùng để mua vài chiếc ô tô cũ và bộ đàm liên lạc. Chúng chọn ngôi nhà biệt lập màu hồng nằm ngoài Seoul, vốn là tài sản thừa kế của một thành viên trong nhóm, làm nơi ẩn náu. Sau khi nhận nhà, chúng xây ba phòng giam bằng bê tông dưới tầng hầm để bắt cóc nạn nhân.
Vào những ngày nghỉ, cả nhóm dành thời gian huấn luyện và học cách sinh tồn trên ngọn núi cao thứ hai Hàn Quốc, Jirisan. Tại đó, Gi-hwan và những thành viên có kinh nghiệm hơn hướng dẫn những người còn lại xử lý chất nổ và bắt cóc nạn nhân. Đến tháng 7/1993, chúng bắt đầu “đi săn”.
Những nạn nhân xấu số
Một thành viên băng Chijon mô tả lại cách thức gây án |
Con mồi đầu tiên là Choi Mija, con gái nhà nông. Vào 23 giờ ngày 18/7/1993, khi đang đi bộ dưới cầu xe lửa ở thị trấn Nonsan, cách nơi trú ẩn của Chijon hơn 90km về phía Bắc, cô bị băng nhóm lao ra tấn công và sát hại. Bọn chúng coi đây là “diễn tập” vì nạn nhân là con nhà nghèo.
Thi thể của Mija được chôn trong một ngôi mộ nông, sau đó được một dân làng phát hiện khi cắt cỏ. Cảnh sát đã khép lại vụ án vì không tìm thấy nghi phạm hay động cơ gây án cho đến khi Chijon bị bắt và thú nhận tội ác.
Chương trình tập huấn cho các thành viên Chijon đến đây đã hoàn tất. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng để nhắm mục tiêu vào những người giàu có Hàn Quốc. Tuy nhiên, cuối hè 1993, Song Bong-un, thủ quỹ của băng nhóm, đột nhiên biến mất cùng với 3 triệu won. Cậu bé 18 tuổi có vẻ đã chùn bước sau những gì đã xảy ra.
Suốt tháng 8 đó, Chijon tản ra tứ phía để truy lùng Bong-un và phát hiện kẻ phản bội đang trốn tại nhà một người họ hàng không xa nơi trú ẩn. Chiếu theo quy tắc dành cho kẻ phản bội, Bong-un bị lôi đến khu rừng hẻo lánh gần đó và xử tử. Thi thể của Bong-un cũng được chôn trong một ngôi mộ nông.
Sau cái chết của thành viên nhỏ tuổi, nhuệ khí của băng nhóm dần nguội lạnh. Trong nửa cuối năm 1993 và nửa đầu năm 1994, Chijon không hoạt động. Đến tháng 6/1994, Gi-hwan bị bắt vì cáo buộc cưỡng hiếp một thiếu nữ là cháu họ của bạn học cũ vào ngày 17/61993, không lâu trước vụ giết người đầu tiên. Gi-hwan bị kết án 5 năm tù.
Kể từ đó, Dong-un lên nắm quyền chỉ đạo. Hắn thường xuyên đến nhà tù thăm Gi-hwan nhưng trên thực tế là nhận chỉ thị từ thủ lĩnh. Từ phòng giam, Gi-hwan bắt đầu ra lệnh cho Chijon thực hiện chuỗi tội ác.
Nửa đêm ngày 8/9/1994, Lee Jeong-su, 27 tuổi, nhân viên phục vụ tại quán cà phê trở về căn hộ ở Seul sau khi tan làm. Chuẩn bị lên giường đi ngủ, cô nhận được điện thoại của bạn trai, là thành viên ban nhạc thường biểu diễn ở quán cà phê. Anh mời cô đi chơi với một số người bạn chung tại một nhà hàng ven sông ở phía Đông Seoul.
Người bạn trai đón Jeong-su bằng chiếc ô tô Hyundai Grandeur tương đối xa xỉ vào thời điểm bấy giờ. Chiếc xe đã thu hút sự chú ý của nhóm Chijon và bị bám đuôi. Đến con đường tối, băng nhóm đi vượt lên, bao vây chiếc xe Hyundai rồi tấn công cặp đôi.
Bạn trai của Jeong-su bị tấn công bằng súng hơi và ngất đi trong khi Jeong-su bị trói, bịt kín đầu. Bọn chúng đưa hai người về nơi trú ẩn và nhốt trong phòng giam. Khi biết cả hai không có tiền, chúng thay nhau làm nhục Jeong-su, bắt cô gia nhập băng nhóm để được tha mạng còn bạn trai cô bị bắt uống rượu và tra tấn đến bất tỉnh.
Chiều hôm sau, Jeong-su được Chijon thả ra sau khi đồng ý sẽ gia nhập băng nhóm. Còn bạn trai cô bị bọn chúng sát hại rồi đưa thi thể lên núi, giả mạo thành hiện trường tai nạn bên vách đá. Cảnh sát đã khép lại vụ án, coi đây là tai nạn vì nồng độ cồn trong máu nạn nhân rất cao.
Sự thật bỏ ngỏ
Các thành viên băng Chijon bị bắt ngày 19/9/1994. |
Sở Cảnh sát Seoul mở họp báo sau khi truy bắt thành công băng nhóm Chijon. |
Băng nhóm tiếp tục nhắm vào vợ chồng ông So, chủ nhà máy ở Ulsan. Trong ngày cặp đôi đến nghĩa trang Namseoul, phía Đông Seoul, Jeong-su bị ép đi theo. Cô cố gắng ra hiệu cho cặp vợ chồng khi họ đi ngang qua nhưng không thành công. Jeong-su bị dọa giết nếu dám phản bội.
Một thành viên trong nhóm tiếp cận ông So, rút dao rồi lao vào tấn công nạn nhân trong khi bà Park, vợ ông So, bị khống chế và lôi lên xe ô tô. Chúng đánh đập ông bà So dã man, sau đó trói họ rồi đem về nơi ẩn náu. Trên đường về, chúng chọn đi vòng để tránh khỏi các trạm kiểm tra và bốt cảnh sát.
Chijon yêu cầu ông So nộp 100 triệu won tiền mặt để đổi lấy mạng sống của hai vợ chồng dù ông một mực giải thích chỉ quản lý một nhà máy nhỏ ở Ulsan, không phải đối tượng giàu có như bọn chúng nghĩ. Cuối cùng, ông xin giảm xuống 80 triệu won vì đó là toàn bộ tiền mặt của nhà máy.
Ông nhờ quản lý gom tiền, mang đến địa điểm do Chijon hẹn trước nhưng cảnh sát đã không tham gia cứu trợ do họ nghi ngờ viên quản lý bịa chuyện để che đậy vấn đề tài chính của nhà máy.
Sau khi lấy được tiền chuộc, Chijon quyết định lật lọng. Chúng ép Jeong-su bắn súng hơi vào đầu ông So còn các thành viên còn lại sát hại bà Park rồi phi tang xác trong lò đốt được xây ở nơi ẩn náu.
Thu về số tiền lớn, cả bọn hăm hở luyện tập để chuẩn bị giúp Gi-hwan vượt ngục. Trong quá trình này, Hyun-yang bị bỏng và được Jeong-su đưa đến bệnh viện. Hắn ta tin tưởng và đưa cô cầm 500.000 won cùng điện thoại của Dong-un khi hắn vào phòng khám. Nhân cơ hội này, Jeong-su bỏ chạy, trở về Seoul và cầu cứu bạn làm chung ở quán cà phê.
Ngược trở lại, vào thời điểm Jeong-su mất tích, Chijon vẫn đinh ninh sẽ được an toàn vì cô đã gây án chung với bọn chúng. Nhưng Jeong-su đã hợp tác với cơ quan điều tra, khai ra địa điểm ẩn náu của Chijon và thông tin các thành viên.
Ngày 19/9/1994, đội điều tra do ông Byeong-chan chỉ huy mai phục trên sườn núi phía sau nơi ẩn náu của Chijon và lập chốt chặn trên đường. Người đầu tiên rời khỏi nơi ẩn náu là Kang Dong-un và đã bị bắt giữ trên cánh đồng. Sau đó, cảnh sát gọi điện đến nơi ẩn náu, nói với Huyn-yang rằng bạn anh ta bị tai nạn giao thông và họ đã thu được một khoản lớn tiền mặt.
Dụ được hai thành viên tiếp theo là Hyun-yang và Sang-rok rời nhà, cảnh sát lập tức cử một nhóm vây bắt. Một đội khác áp sát nơi ẩn náu, cho nổ tung cửa chính trước khi xông vào khống chế các nghi phạm.
Cuối cùng, tất cả thành viên của Chijon đều bị bắt. Cảnh sát khám xét ngôi nhà và thu được nhiều vũ khí, dụng cụ phân xác và đồ đạc của các nạn nhân. Sau khi bị bắt, chúng lần lượt khai ra các vụ án, nơi chôn nạn nhân lẫn cách thức hoạt động.
Điều kinh hoàng nhất là lời khai của Huyn-yang về mục tiêu cuối cùng là tấn công trụ sở cảnh sát ở Seoul, sau đó chiếm lấy đài truyền hình quốc gia và phát đi thông điệp chống kẻ giàu trên cả nước rồi tự sát. Vụ việc đã gây chấn động Hàn Quốc khi những chi tiết man rợ được công bố rộng rãi.
Gi-hwan cùng tất cả thành viên Chijon bị kết án tử hình và bị hành quyết vào ngày 2/11/1995. Jeong-su không bị truy tố.
Dù vụ án đã khép lại, nhiều người nghi ngờ băng Chijon đứng đằng sau một số vụ mất tích trong giới thượng lưu vào thời điểm băng nhóm này hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là câu hỏi không có lời giải đáp.