Viễn cảnh vướng vòng ‘lao lý’ vì 'câu view, câu like' trên mạng xã hội

GD&TĐ - Việc tung tin phản cảm, bịa đặt, sai lệch sự thật nhằm lôi kéo người xem, tương tác trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật.

Tình trạng “câu view, like” đang nhan nhản trên mạng xã hội.
Tình trạng “câu view, like” đang nhan nhản trên mạng xã hội.

Thời gian qua, hiện tượng đăng tải bài viết, hình ảnh, video thiếu chuẩn mực nhằm “câu view”, “câu like” xuất hiện tại nhiều địa phương, khiến dư luận bức xúc.

Tại Bình Phước, đã xảy ra nhiều vụ việc điển hình làm dậy sóng mạng xã hội, thu hút sự chú ý và lo ngại từ cộng đồng.

Điển hình, cuối tháng 12/2024, cư dân mạng ở thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) lan truyền bài viết trên Facebook mang nội dung: “Dạo này có một xe chở quần áo đi chào hàng giá rẻ… dụ người lên xe lựa đồ rồi bắt cóc”.

Thông tin này nhận được hơn 3,5 nghìn lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận, khiến nhiều người lo lắng, bất an.

Khi lượng tương tác được đẩy lên cao, chính chủ tài khoản lại “quay xe” bình luận, dẫn dắt người đọc đến việc… bán quần áo giá rẻ.

Tương tự, trên một nhóm Facebook có tên “Tin Tức”, người dùng liên tục thấy một đoạn video quay cảnh ô tô di chuyển trên địa bàn huyện Hớn Quản với bánh xe trước móp méo, hư hỏng nặng

Điểm đáng chú ý là vụ việc này đã xảy ra từ tháng 7/2022, người vi phạm giao thông đã bị xử lý hành chính.

Thế nhưng, nội dung được chỉnh sửa, cắt ghép như đang phát trực tiếp, nhằm thu hút lượt xem, bình luận và chia sẻ, từ đó tăng tương tác cho trang, nhóm Facebook này.

cauvie.jpg
Việc "câu view, like" sai sự thật là vi phạm pháp luật.

Trước tình trạng này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bình Phước) khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi đăng nội dung lên mạng xã hội.

Người xem và tương tác cần phải tỉnh táo trước thông tin giật gân, không nên tin hoặc chia sẻ ngay những tin bài có nội dung giật gân, chưa rõ nguồn gốc.

Khi xem tin, người đọc nên kiểm chứng qua nhiều kênh. Nếu gặp nội dung nghi ngờ, nên kiểm tra qua báo chí chính thống hoặc hỏi ý kiến cơ quan chức năng.

Khi thấy có dấu hiệu bất thường cần phải "Báo cáo vi phạm kịp thời".

Người dùng có thể chủ động báo cáo đến nhà quản trị mạng xã hội hoặc cơ quan chức năng khi phát hiện nội dung sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Pháp luật đã có những quy định rõ ràng về chế tài xử phạt hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống hoặc gây hoang mang dư luận trên không gian mạng.

Tùy theo mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng, theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 14/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP).

Trường hợp nghiêm trọng hơn, việc cắt ghép hình ảnh, lan truyền thông tin sai lệch có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Hoàng Thị Hương ân cần với học trò.

'Mầm xuân' ở vùng đất khó

GD&TĐ - Những cô giáo ở Mù Cang Chải (Yên Bái) ngày đêm miệt mài gieo hạt giống tri thức cho những học trò vùng cao gian khó...