Việc nên làm

GD&TĐ - Trong khi nhiều trường học ở các địa phương, từ nửa tháng nay đã tổ chức tập dượt cho ngày khai giảng năm học mới, thì Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, ngay từ giữa tháng 8 đã có Công văn gửi các trường THPT, các phòng GD&ĐT yêu cầu phải đúng ngày 5/9, ngày bắt đầu năm học mới và Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường mới tổ chức lễ khai giảng.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Công văn cũng nêu rõ, lễ khai giảng phải ngắn gọn, tươi vui, diễn ra trong vòng 45 phút, từ 7 giờ đến 7 giờ 45 phút. Hiệu trưởng đọc diễn văn, chủ yếu nêu bật truyền thống của trường, căn dặn các em, nhất là số học sinh đầu cấp về những nội quy phải thực hiện, tránh kể lể thành tích dài dòng. Hiệu trưởng trực tiếp đánh trống khai trường hoặc nếu có vị lãnh đạo nào của thành phố đến dự thì đề nghị vị ấy đánh trống khai giảng.

Đấy mới chính là tinh thần của ngày khai trường. Những người đang ở tuổi 50 - 60 hẳn còn lưu trong ký ức của mình về sự thiêng liêng của ngày khai giảng sau bao háo hức đợi chờ trước đó. Không khí của ngày khai trường thời ấy thật rộn ràng và nghiêm cẩn, từ lời căn dặn của thầy hiệu trưởng đến phút điểm danh nhận lớp của cô chủ nhiệm… tất cả đều là “khai mở” cho một năm học mới. Tiếng trống trường ngày khai giảng như khép lại ba tháng hè vui chơi thỏa thích của đám học trò lại vừa thúc giục tất cả thầy và trò bước sang một trang mới.

Không hiếm trường đặt ra “mục tiêu” là phải mời cho được lãnh đạo địa phương về dự khai giảng. Vì sẽ đón một nhân vật quan trọng nên buổi khai giảng cũng phải “hoành tráng” về quy mô, “chuyên nghiệp” về tổ chức. Thậm chí, có trường còn mời MC, rước cả đội múa để phụ họa trong buổi lễ. Sau bài phát biểu kể lể thành tích dài lê thê của ông/bà hiệu trưởng là đến phần phát biểu của đồng chí lãnh đạo, cũng đã được chuẩn bị sẵn.

Vẫn những câu từ quen thuộc, vẫn những số liệu vừa được ông/bà hiệu trưởng trình bày trước đó nhưng được lặp lại bởi một người khác. Học sinh thì ồn như chợ vỡ, mạnh em nào em nấy lướt Facebook, trêu chọc nhau chứ chả nghe lãnh đạo nói gì. Chưa hết, vì là lãnh đạo nên “trường điểm” nào cũng tha thiết mời đến dự và phát biểu, bỏ trường này mà đi dự trường khác thì không tiện, nên để khỏi so bì, các trường phải khai giảng lệch giờ nhau thì lãnh đạo mới dự hết được!

Sự có mặt của lãnh đạo tỉnh hoặc Trung ương ở buổi khai giảng của một trường nào đó cũng tốt thôi. Nhưng tốt hơn là phát biểu phải ngắn gọn, tránh đọc lê thê, trở thành màn “tra tấn” các cháu học sinh phải ngồi dưới trời nắng nóng, trong khi chúng chẳng chú ý gì đến lời phát biểu ấy.

Khai giảng đúng ngày, ngắn gọn mà tươi vui, tránh bệnh hình thức là việc nên làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ