Chiều 28/6, thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngoại ngữ - môn thi cuối cùng khép lại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo Chương trình GDPT 2006.
Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã trao đổi nhanh với TS Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Quảng Trị sau kỳ thi.
Thưa bà, đến thời điểm này có thể nói rằng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diễn ra an toàn, nghiêm túc. Để có được kết quả trên, ngành GD&ĐT đã có sự chuẩn bị và giải pháp trọng tâm như thế nào?
TS Lê Thị Hương: Xác định Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có vai trò, tính chất hết sức quan trọng đối với các em học sinh. Đây cũng là năm cuối cùng kỳ thi được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Ngành GD&ĐT đã vào cuộc bằng rất nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước hết là công tác chỉ đạo, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Kỳ thi ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cùng với các văn bản của Sở GD&ĐT.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động dạy học, ôn tập để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho học sinh phải được quan tâm đúng mức. Nhiệm vụ phổ biến, tập huấn quán triệt các quy chế, quy định trong kỳ thi đối với giáo viên, học sinh cũng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định.
Đặc biệt, công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như xây dựng các kế hoạch huy động đội ngũ làm nhiệm vụ thi được Sở chỉ đạo và chuẩn bị hết sức chu đáo, kỹ lưỡng.
Công tác truyền thông về Kỳ thi luôn được chủ động, kịp thời nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội về việc quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để các thí sinh đến trường thi một cách an toàn.
Việc tổ chức các hội nghị triển khai, quá trình tổ chức coi thi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được diễn ra nghiêm túc, đúng quy định và đảm bảo an toàn đối với thí sinh và giáo viên ở tất cả các địa bàn thuộc tỉnh Quảng Trị.
Có thể khẳng định, công tác tổ chức coi thi trên địa bàn đã được thực hiện nghiêm túc, đúng các quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh đến trường thi và các thầy, cô giáo tham gia làm nhiệm vụ coi thi đảm bảo nghiêm túc, an toàn.
Để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngành Giáo dục địa phương và các cơ quan đơn vị đã phối hợp như thế nào?
TS Lê Thị Hương: Đối với công tác phối hợp, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 29/5/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Công văn số 2938/UBND-KGVX ngày 26/6/2024 của UBND tỉnh về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành và các địa phương tích cực phối hợp với ngành Giáo dục để tạo sự thống nhất, thông suốt trong quá trình chuẩn bị và tổ chức tốt Kỳ thi.
Các phương án dự phòng những tình huống bất thường có thể xảy ra trong kỳ thi cũng đã được chuẩn bị rất sẵn sàng. Lực lượng công an đến chính quyền các địa phương đều sẵn sàng vào cuộc với các phương án được đặt ra trên địa bàn, trong tình huống thời tiết hoặc thiên tai diễn biến phức tạp.
Các lực lượng đoàn viên, thanh niên, lực lượng địa phương, bộ đội, công an và nhân dân trên địa bàn Quảng Trị đều quan tâm, hỗ trợ các điều kiện từ đi lại, ăn ở, sinh hoạt trong các ngày thi cho thí sinh, với mong muốn không có thí sinh nào vì khó khăn mà bỏ thi, không có thí sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Quảng Trị diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế. |
Trong quá trình tổ chức, an ninh, an toàn trường thi được đảm bảo ra sao?
TS Lê Thị Hương: Kỳ thi năm nay, tỉnh Quảng Trị bố trí 26 điểm thi, với hơn 8.200 thí sinh dự thi. Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi, Ban Chỉ đạo Kỳ thi cấp tỉnh đề nghị Công an tỉnh xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông và phòng chống cháy, nổ, khắc phục các sự cố xảy ra thời gian trước, trong và sau Kỳ thi.
Đồng thời, phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các địa phương, đơn vị liên quan kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong Kỳ thi; cử cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng bảo vệ bảo đảm tuyệt đối an toàn tại các khu vực thi, in sao, quản lý đề thi, bài thi, chấm thi theo kế hoạch tổ chức Kỳ thi; có biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại các khu vực tổ chức thi.
Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tại địa phương; ngành Y tế cũng lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thông báo dự báo thời tiết trong các ngày diễn ra Kỳ thi để phụ huynh, học sinh biết, thuận lợi trong đi lại và phòng tránh nắng nóng nhằm đảm bảo sức khỏe tốt cho thí sinh dự thi…
Qua 2 ngày thi, an ninh, an toàn trường thi, điểm thi được siết chặt và đảm bảo an toàn. Địa phương không ghi nhận trường hợp thí sinh nào vi phạm quy chế thi bị xử lý, không có trường hợp cán bộ coi thi bị lập biên bản.
Đặc biệt, năm nay Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương vào cuộc đồng bộ. Mỗi ngành, mỗi cấp được giao thành viên Ban Chỉ đạo đều phải xây dựng kế hoạch báo cáo trước Ban Chỉ đạo.
Khâu tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ, liên thông, thông tin xuyên suốt. Trong quá trình thực hiện, khi xảy ra vấn đề, tình huống phát sinh, các đơn vị phải báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, xử lý.
Đâu là yếu tố quyết định thành công của Kỳ thi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị?
TS Lê Thị Hương: Có rất nhiều giải pháp và nhiều công đoạn mang đến thành công của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với Quảng Trị, chúng tôi xác định có 2 yếu tố quan trọng nhất. Đầu tiên, phải kể đến công tác chuẩn bị cho Kỳ thi, tất cả các khâu đều được lên kế hoạch chặt chẽ, kết nối giữa các đơn vị, các lực lượng trong quá trình tổ chức nhịp nhàng, thông suốt. Đặc biệt, việc lựa chọn, bố trí nhân sự để tham gia vào từng các khâu của Kỳ thi cũng cẩn trọng, chặt chẽ, khoa học.
Thứ hai, công tác chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất tại các điểm thi. Từ những khâu nhỏ nhất đều được kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng, từ trang thiết bị, cơ sở vật chất và các điều kiện khác như thiết bị camera giám sát, tủ đựng đề thi, máy photocopy, máy nổ dự phòng mất điện đến các điều kiện chuẩn bị cho giáo viên và học sinh đều sẵn sàng.
Công tác chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và tâm lý cho học sinh cũng được các cơ sở giáo dục quan tâm chu đáo. Năm nay cũng là năm cuối cùng Kỳ thi được tổ chức theo Chương trình GDPT 2006 nên việc chuẩn bị được triển khai ngay từ đầu năm học để giúp các nhà trường có kế hoạch dạy học chặt chẽ, dành thời gian ôn tập cho học sinh lớp 12, phân loại học sinh để bổ trợ kiến thức. Học sinh cũng được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng từ sớm. Đây là những hành trang quan trọng để thí sinh bước vào Kỳ thi với kết quả tốt nhất.
Sau khi kỳ thi kết thúc, ngành GD&ĐT sẽ triển khai những công việc gì?
TS Lê Thị Hương: Sau buổi thi cuối cùng hoàn tất tại tất cả các điểm thi sẽ chuẩn bị thực hiện việc chuyển bài thi về địa điểm theo đúng quy định.
Sở GD&ĐT đã tham mưu xây dựng kế hoạch cho Ban chấm thi, Ban làm phách để thực hiện đúng các quy trình. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tiếp tục phối hợp với lực lượng, các đoàn kiểm tra, thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT để thực hiện tốt các khâu còn lại của Kỳ thi. Đặc biệt là khâu chấm thi, phúc khảo bài thi và xét kết quả tốt nghiệp THPT của thí sinh.
Xin cảm ơn bà đã trao đổi!