Vỉa hè, lòng đường Hà Nội bị tái lấn chiếm

GD&TĐ - Sau hơn hai tháng thực hiện chiến dịch đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, bộ mặt đô thị của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đường phố phong quang, sạch đẹp; lòng đường, vỉa hè Thủ đô trở nên thông thoáng hơn. 

Vỉa hè, lòng đường Hà Nội bị tái lấn chiếm

Tuy nhiên, sau chiến dịch, vỉa hè, lòng đường đã bị không ít người chiếm dụng lại, dẫn đến tình trạng xe máy, ô tô để lộn xộn chật kín vỉa hè và đẩy người đi bộ xuống lòng đường...

Dễ nhận thấy nhất là tại những tuyến đường trong khu phố cổ như: Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Mã, Hàng Lược (thuộc quận Hoàn Kiếm).v.v. sau thời gian buộc phải “co” lại trước sự xử lý quyết liệt, thường xuyên của chính quyền, đến nay nhiều hộ dân đã bắt đầu tái chiếm vỉa hè trở lại.

Phố Hàng Bông, một trong những tuyến phố trung tâm có vỉa hè tương đối rộng trong khu phố cổ, dù đã được cơ quan chức năng kẻ vạch, đặt biển cấm... tuy nhiên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra trên toàn tuyến.

Dạo quanh phố Hàng Bông vào mỗi buổi sáng, chúng tôi chứng kiến nhiều hộ kinh doanh hàng ăn đã chiếm vỉa hè làm nơi kê bàn ghế cho thực khách. Các cửa hàng, khách sạn cũng tranh thủ biến vỉa hè trước cửa thành bãi để xe.

Tại góc ngã tư phố Hàng Bông - phố Phủ Doãn, vỉa hè còn biến thành điểm kinh doanh thịt gà tươi sống. Đáng nói, trụ sở UBND phường Hàng Bông nằm ngay trên tuyến đường này, cách các điểm vi phạm chỉ vài bước chân, nhưng những hành vi nêu trên vẫn diễn ra rất công khai, phổ biến.

Tại phố Hàng Mã, phần lớn diện tích vỉa hè được các hộ kinh doanh chiếm dụng để bày biện hàng hoá, để xe máy, xe đạp. Các loại móc, giá treo hàng, giỏ nhựa đựng giấy màu, bưu thiếp… giăng kín không gian vỉa hè, khiến người đi bộ không còn chỗ len chân.

Không chỉ ở các phố cổ, mà ngay cả các tuyến phố khác trên địa bàn Hà Nội cũng bị tái lấn chiếm trở lại. Tại phố Xã Đàn, phố Khâm Thiên, phố Thái Hà, phố Thái Thịnh, phố Nguyên Hồng (quận Đống Đa); phố Thụy Khuê, phố Kim Mã, phố Giảng Võ (quận Ba Đình); Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân, Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân).v.v. sau khi bị các lực lượng chức năng xử lý tháo dỡ các bục bệ, cầu dẫn và kẻ vạch phân định vỉa hè, rất nhiều bục bệ, cầu dẫn di động bằng chất liệu gỗ, sắt một cấp… lại được các hộ dân sử dụng. Ngoài ra, không ít quán bán nước vỉa hè cũng đã bán hàng trở lại gây mất mỹ quan.

Không chỉ lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, tại nhiều tuyến đường còn xảy ra nạn tái chiếm lòng đường để đổ trộm rác, phế thải xây dựng.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện trên một số tuyến đường như: Trường Chinh, đường Láng, Vũ Tông Phan, Nguyễn Xiển... có rất nhiều điểm bị một số người thiếu ý thức đổ bậy rác, phế thải gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường, cũng như cản trở giao thông nghiêm trọng.

Thiết nghĩ, việc thiết lập và duy trì trật tự đô thị, vệ sinh môi trường... có được lâu dài và bền vững hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cả sự quyết liệt của chính quyền và ý thức chấp hành của mỗi người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.