Vi vu trên taxi bay

GD&TĐ - Theo SBS, mới đây, thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã hoàn thành thử nghiệm mẫu taxi bay do công ty Đức Volocopter phát triển.

Phương tiện không có người lái điều khiển trong suốt chuyến bay thử nghiệm.
Phương tiện không có người lái điều khiển trong suốt chuyến bay thử nghiệm.

Chuyến bay thành công hứa hẹn biến Dubai thành nơi đầu tiên trên thế giới phát triển dịch vụ taxi bay không người lái sau khi cuộc thử nghiệm thành công. Taxi bay Volocopter có hình dáng tương tự một chiếc trực thăng hai chỗ ngồi nhỏ với vòng tròn rộng gắn 18 cánh quạt đẩy trên nóc.

Nhằm hoạt động không cần điều khiển từ xa với thời gian bay tối đa 30 phút, chiếc taxi bay sở hữu nhiều trang bị đề phòng sự cố, bao gồm pin dự phòng, rotor và hai chiếc dù cho trường hợp xấu nhất.

Volocopter tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trong buổi lễ do hoàng tử Dubai Sheikh Hamdan bin Mohammed chủ trì. Công ty vẫn chưa tiết lộ những chiếc taxi bay không người lái sẽ bắt đầu chở khách vào thời gian nào.

Năm 2015, chiếc taxi bay đầu tiên trên thế giới đã từng xuất hiện trên bầu trời Israel.
Năm 2015, chiếc taxi bay đầu tiên trên thế giới đã từng xuất hiện trên bầu trời Israel.

Volocopter đang trong cuộc đua quy tụ hàng chục công ty của Mỹ và châu Âu với mục tiêu chế tạo một dạng phương tiện giao thông thành thị mới lai giữa xe điện không người lái và máy bay cất hạ cánh thẳng đứng cỡ nhỏ, trong đó có những tên tuổi lớn như công ty hàng không vũ trụ Airbus, Kitty Hawk, công ty do đồng sáng lập viên tập đoàn Google Larry Page đầu tư và Uber.

Trước đó, năm 2015, chiếc taxi bay đầu tiên trên thế giới đã từng xuất hiện trên bầu trời Israel. Theo CNN, chiếc taxi bay này được Skytran, có trụ sở chính tại Mountain View, California (Mỹ) nghiên cứu trong 5 năm và được ra mắt thí điểm ở Tel Aviv (Israel) vào cuối năm 2015.

Về thiết kế, hệ thống taxi bay của SkyTran được làm từ thép và nhôm. Ưu điểm của loại hình liên lạc này là chỉ mất vài ngày để lắp ráp và cài đặt, cũng như chi phí xây dựng, phí tổn vận hành, bảo dưỡng rẻ.

Ngoài ra, Sky taxi sử dụng công nghệ từ trường để di chuyển toa xe. Nói cách khác, nam châm điện sẽ tạo ra lực nâng, đỡ và đẩy toa xe về phía trước, giúp tiêu thụ năng lượng một cách hiệu quả. Công nghệ này được đánh giá đặc biệt có lợi cho những nước có nguồn điện không ổn định.

Ông Jerry Sanders, Giám đốc điều hành SkyTran cho biết: "Sky taxi giúp tiết kiệm chi phí, công sức xây dựng hơn so với đường sắt và đường ngầm. Đặc biệt, chiếc Sky taxi này rất thân thiện với môi trường". Không những thế, loại phương tiện này chỉ tốn năng lượng bằng 1/3 năng lượng chiếc xe xăng lai điện. Đó là những lý do loại hình này sẽ trở thành phương tiện chủ chốt trong hệ thống giao thông công cộng tương lai.

Trong giai đoạn đầu, SkyTran sẽ xây dựng đường đệm từ dài 500m, chiếc xe Sky taxi 2 người sẽ di chuyển trong lòng của đường đệm từ này. Dự kiến dự án taxi bay sẽ được đưa vào hoạt động chính thức tại 3 thành phố khác của Isarael và một vài thành phố khác tại Mỹ trong năm 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ