Vì sao người già bị nhức xương trời lạnh?

GD&TĐ - Trời lạnh bị nhức xương thường xảy ra ở những người cao tuổi và các trường hợp mắc bệnh về xương khớp. Dưới đây là lí do bệnh tăng vào mùa lạnh.

Theo Bệnh viện Đa khoa Medlatec, trời lạnh bị nhức xương là vấn đề thường xảy ra ở những người cao tuổi và các trường hợp mắc bệnh về xương khớp. Để biết nguyên nhân nào khiến cơn đau nhức xương khớp trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa lạnh và cách phòng tránh hiệu quả, dưới đây là những thông tin từ BSCKI. Dương Ngọc Vân.

Trời lạnh bị nhức xương và những triệu chứng thường gặp

Người trung niên, người cao tuổi hoặc các trường hợp mắc bệnh về xương khớp đều cho biết những triệu chứng của họ trở nên nghiêm trọng hơn khi trời chuyển lạnh đột ngột hoặc nhiệt độ giảm quá thấp. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết về tình trạng trời lạnh bị nhức xương:

Mức độ đau tăng lên: Khi trời chuyển lạnh, người bệnh sẽ cảm nhận rõ những cơn đau nhức tăng lên ở nhiều vị trí trên cơ thể, đặc biệt là ở những khớp đang bị tổn thương.

Trong đó, vùng khớp gối, thắt lưng, cổ vai gáy,… là những vị trí dễ bị đau nhất. Những cơn đau thường tăng lên vào sáng sớm hoặc ban đêm vì đây là những thời điểm lạnh nhất trong ngày.

Trời lạnh dễ bị đau xương khớp.

Trời lạnh dễ bị đau xương khớp.

Tê, sưng khớp: Không chỉ đau nhức, nhiều vị trí khớp của người bệnh còn có biểu hiện tê và sưng. Biểu hiện này thường gặp ở người cao tuổi do chất lượng xương ở độ tuổi này đã bị suy giảm.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan vì tê, sưng khớp cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như loãng xương, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm hoặc viêm khớp dạng thấp,…

Cứng khớp: Là hiện tượng các khớp bị cứng, đơ khiến bệnh nhân không thể hoặc rất khó để cử động. Tuy nhiên, tình trạng này thường kéo dài không lâu, chỉ khoảng 10 đến 30 phút.

Thường gặp nhất là vào buổi sáng sớm, khi người bệnh vừa thức giấc. Khi xoa bóp và cử động khớp nhẹ nhàng, tình trạng này sẽ được cải thiện.

Trong điều kiện thời tiết lạnh, tình trạng cứng khớp thường nghiêm trọng hơn và tái phát nhiều lần.

Phát ra âm thanh lạo xạo: Người bệnh không chỉ cảm thấy đau đớn khi vận động mà còn nghe được âm thanh phát ra từ khớp. Nguyên nhân gây ra những âm thanh này là do các xương cọ xát vào nhau.

Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến tổn thương và đau nhức khớp nghiêm trọng.

Những triệu chứng đau nhức xương khớp kể trên ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh. Khi bị đau nhức, mọi hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày và trong lao động của người bệnh đều rất khó khăn.

Người bệnh còn bị mất ngủ do những cơn đau xảy ra vào ban đêm. Về lâu dài, bệnh ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.

Trời lạnh bị nhức xương là do đâu?

Theo các chuyên gia, hiện tượng trời lạnh bị nhức xương có thể do những nguyên nhân sau:

Áp suất khí quyển: Phần lớn những người mắc các bệnh lý về xương khớp đều bị bào mòn lớp sụn phủ lên xương bên trong khớp. Điều này khiến cho các dây thần kinh tại đây nhạy cảm hơn và cảm nhận rõ hơn về sự thay đổi của áp suất khí quyển.

Bên cạnh đó, sự thay đổi của áp suất cũng khiến cho những phần như cơ, gân hay các mô sẹo dễ bị co lại và gây đau đớn.

Đau nhức xương do dịch khớp giảm.

Đau nhức xương do dịch khớp giảm.

Ngoài ra, chất lượng dịch khớp cũng giảm trong điều kiện thời tiết lạnh. Khi đó, những phản ứng phức tạp ở các mô xung quanh khớp cũng làm tăng nguy cơ viêm và sưng đau tại khớp.

Trời lạnh cũng làm giảm sức đề kháng của cơ thể khiến những cơn đau càng trở nên khó chịu hơn.

Nhiệt độ thấp làm khô cứng khớp: Khi nhiệt độ giảm, dịch khớp sẽ đặc hơn và dẫn tới tình trạng khô cứng khớp.

Hơn nữa, trời lạnh cũng khiến cho tuần hoàn máu trong cơ thể kém hơn, mạch máu co lại và từ đó làm giảm máu nuôi khớp, gây tổn thương sụn cũng như màng hoạt dịch khớp.

Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng, thời tiết giảm chỉ là nguyên nhân tạm thời khiến cho các cơn đau nhức nghiêm trọng hơn và không phải là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về xương khớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ