Vì sao dự án du lịch Tiên Trang vẫn ì ạch chưa thể về đích?

GD&TĐ - Hơn 16 năm được phê duyệt, nhưng đến nay Dự án Đô thị du lịch sinh thái Tiên Trang tại Quảng Xương, Thanh Hóa vẫn chưa thể về đích.

Vì sao dự án du lịch Tiên Trang vẫn ì ạch chưa thể về đích?

Chậm giải phóng mặt bằng

Theo tìm hiểu, Dự án Đô thị du lịch sinh thái Tiên Trang do Công ty TNHH Soto làm chủ đầu tư, với diện tích sử dụng đất là 100,92ha; tổng vốn đầu tư khoảng 217,38 tỷ đồng.

Dự án có vị trí nằm dọc đường bờ biển dài 2,5km trên địa bàn 3 xã Quảng Lợi (nay là xã Tiên Trang), Quảng Thạch, Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2008.

Tuy nhiên, sau khi dự án được cấp phép lại gặp nhiều trở ngại trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ dự án buộc phải điều chỉnh.

Gần đây nhất, vào tháng 7/2021, dự án được tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho điều chỉnh tiến độ. Theo đó, UBND huyện Quảng Xương có trách nhiệm hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao đất cho Công ty Soto trong tháng 12/2022, để khởi công dự án vào tháng 1/2023.

Tháng 9/2024, ghi nhận thực tế cho thấy, tại dự án diễn ra chưa đạt như kỳ vọng, khu vực thi công mới chỉ xây dựng một khu quảng trường và vài ba điểm kinh doanh dịch vụ nhà hàng.

Hệ thống đường giao thông dở dang. Phần lớn diện tích đất thực hiện dự án đang mọc đầy cỏ dại. Nhiều ngôi nhà nằm trong khu vực dự án cũng chưa được giải phóng mặt bằng (GPMB).

Ngoài một phần đất nông nghiệp, phần lớn diện tích đất thuộc phạm vi dự án phải thu hồi đều có nguồn gốc là đất lâm nghiệp và rừng phi lao phòng hộ ven biển, trước kia là bãi cát, xã giao cho hợp tác xã và các đoàn thể quản lý để trồng rừng, các tổ chức này giao lại cho các hộ dân.

Từ những năm 1980 đến nay, các hộ dân đã sử dụng liên tục diện tích được giao để trồng phi lao và dùng một phần làm nhà ở, một số không nhiều dựng quán bán hàng, kinh doanh ăn uống và hải sản.

A1.jpg

“Dự án khu đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang thì cứ liên tục được gia hạn, trong khi nhiều diện tích rừng được coi là lá chắn sóng biển trong những đợt mùa bão thì ngày càng giảm đi khiến người dân hết sức lo lắng”, một người sinh sống tại địa phương cho biết.

Theo điều tra của GD&TĐ, quá trình thực hiện dự án từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đến nay, nhà đầu tư và địa phương mới thực hiện GPMB xong 56,0533ha (nhà đầu tư thỏa thuận 48,43ha, Nhà nước thu hồi đất 7,62ha, đất thổ cư tôn tạo tại chỗ khoảng 8ha, diện tích còn lại cần phải GPMB khoảng 36,87ha).

Trước đó, năm 2018, UBND huyện Quảng Xương đã thực hiện GPMB, ban hành các quyết định thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân và đất UBND cấp xã quản lý được trên 7ha. Diện tích còn lại phải GPMB khoảng 36,96ha, trong đó đất thổ cư khoảng 20,66ha, đất nông nghiệp khoảng 9,34ha, đất do UBND xã quản lý khoảng 6,96ha.

A1.jpg
Giấy chứng nhận đầu tư dự án ngày 28/11/2008

Bất thường về pháp lý doanh nghiệp

Ngày 28/10/2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến ký Quyết định số 3398, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dự án: Đầu tư xây dựng Khu du lịch Tiên Trang, huyện Quảng Xương của Công ty TNHH Soto (chủ đầu tư dự án).

Chỉ 1 tháng sau, ngày 28/11/2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chu Phạm Ngọc Hiển ký chứng nhận cho Công ty TNHH Soto - Chi nhánh Thanh Hóa: Đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khu du lịch biển Tiên Trang.

Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh số 2612000018. Tiến độ thực hiện dự án: 3 tháng sau khi hoàn thành các thủ tục, khởi công sau 9 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trong giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh thay đổi lần thứ nhất ngày 9/4/2009, do ông Chu Phạm Ngọc Hiển ký, lại chứng nhận cho Công ty TNHH Soto - Chi nhánh Thanh Hóa: Đầu tư xây dựng Đô thị du lịch biển Tiên Trang.

A1.jpg
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 27/1/2010

Người đứng đầu chi nhánh là ông Phạm Đình Hải. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tên Công ty TNHH Soto, đăng ký lần đầu ngày 27/1/2010, đại diện pháp luật vẫn là Giám đốc Phạm Đình Hải.

Năm 2011, UBND tỉnh Thanh Hóa có ký Quyết định “về việc thu hồi đất, cho phép chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp và đất rừng sang đất phi nông nghiệp tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương”, nêu rõ: “Cho phép Soto chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích chuyển đổi 425.604m2 do Soto chuyển nhượng từ cá nhân và 23.027m2 thu hồi từ UBND xã quản lý”.

Tài liệu đã được GD&TĐ xác minh, cũng trên một diện tích rộng lớn đó đang tồn tại một quy hoạch khác, là quy hoạch rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương.

Cụ thể, Quyết định 2755/2007/QĐ-UBND ngày 12/09/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2006-2015. Riêng diện tích rừng phòng hộ được quy hoạch tại huyện Quảng Xương là 467,70 ha. Trong đó, diện tích hiện tại đã có rừng là 268,70 ha, diện tích chưa có rừng là 199 ha.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 3230/QĐ-UBND (phê duyệt Quy hoạch 3 loại rừng ở tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 -2025) do cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Đức Quyền ký ngày 29/8/2017, quy hoạch rừng phòng hộ của huyện Quảng Xương chỉ còn có 64,28 ha.

Đáng chú ý, diện tích 64,28 ha này đều là rừng trồng mới. Còn diện tích 268,70 ha đã có rừng (theo quyết định 2755) đã không còn thể hiện trên quyết định mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ