Thạch Thị Sa Pa là con gái thứ 6 trong một gia đình có 7 người ở làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ở quê của Sa Pa, duy nhất cô sở hữu đôi mắt hai màu như vậy. Cha Sa Pa có đôi mắt xanh, ông làm thợ mộc, mẹ Sa Pa sở hữu đôi mắt màu đen.
Mắt 2 màu là một hiện tượng hiếm trên thế giới. Tại Mỹ, một cô gái tên Sarah McDaniel cũng sở hữu đôi mắt 2 màu gây chú ý. Theo đó Sarah Mcdaniel có mắt trái màu nâu nhạt và mắt phải xanh thẫm.
Được biết mắt 2 màu là hiện tượng “loạn sắc tố mống mắt” - một căn bệnh hiếm gặp trong xã hội loài người. Tên khoa học đầy đủ của nó là Heterochromia iridis hay Heterochromia iridum.
Chia sẻ về hiện tượng mắt 2 màu này, BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho rằng, bản thân tôi cũng đã từng gặp một bệnh nhân như vậy trong quãng đời gần 20 năm làm việc trong chuyên khoa Mắt.
Sau này do làm việc trong phòng khám nhãn khoa - thần kinh, được tiếp xúc với các tài liệu tiếng Anh và trao đổi với các chuyên gia nước ngoài nhiều cho nên theo ông “những bác sĩ mắt như tôi không thấy lạ lẫm lắm với những đôi mắt như vậy”.
BS. Hoàng Cương cho biết: "Chứng loạn sắc tố mống mắt - xuất hiện sự khác biệt về màu sắc thường là của mống mắt nhưng cũng có thể gặp trên tóc hay da. Hội chứng loạn sắc tố mống mắt là một căn bệnh hiếm gặp ở người nhưng phổ biến ở động vật.
Hiện tượng này do gen di truyền từ cha mẹ, hoặc một bệnh liên quan đến mắt xảy ra trong quá trình mắt đang được hình thành, do di truyền thể khảm, bệnh lý bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa hay chấn thương. Theo tôi được biết có gần 200.000 người Mỹ mắc chứng này”.
“Loạn sắc tố mống mắt là do có sự dư thừa hoặc thiếu hụt melanin (chất tạo nên sắc tố). Melanin có thể tập trung quá đáng trên mống mắt- chứng hyperchromic hay giảm đậm độ trên đó- chứng hypochromic.
Xét về phạm vi biểu hiện có những người có hai vùng sắc tố khác nhau trên một mống mắt hoặc mỗi con mắt có một màu mống mắt khác nhau.
Hội nhãn khoa Hoa kỳ cũng nhấn mạnh tật mống mắt dị sắc hay loạn sắc tố mống mắt có thể có ngay sau khi sinh gọi là tật mống mắt dị sắc bẩm sinh. Với nhóm trẻ này trẻ không hề có biểu hiện bất thường gì về phát triển thị giác cũng như toàn thân, không than phiền về bất kỳ khó chịu nào”.
"Tuy nhiên, khi không phải bẩm sinh, đột nhiên phát hiện mắt hai màu thì có nhiều nguyên nhân có thể là: Chấn thương mắt; Xuất huyết nội nhãn; Phù viêm do viêm màng bồ đào, viêm mống mắt... Khi có biểu hiện lạ thì nên đi kiểm tra”, BS Hoàng Cương nhận định.
Theo bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, một loạt các nguyên nhân khiến người bệnh mắc chứng loạn sắc tố mống mắt có thể do hội chứng Hornet bẩm sinh; loạn sắc mống mắt lành tính;hội chứng Sturge Weber; hội chứng Waardenburg; bệnh bạch biến; bệnh Hischsprung…
Ngược lại với loạn sắc tố mống mắt bẩm sinh, khi mắc chứng này ở người trưởng thành thường gặp ở người bị chấn thương mắt, xuất huyết nội nhãn, phù viêm do viêm màng bồ đào, viêm mống mắt, u lành và ác của mống mắt, bệnh đái tháo đường, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc.
Cũng có thể do mắc bệnh Glaucoma có dùng thuốc tra nhỏ kéo dài, hoặc dùng thuốc điều trị glocom có prostaglandine hay thuốc làm dày lông mi…
“Nếu ai đó bị ngay từ lúc thiếu nhi thì cần khám bác sĩ mắt ít ra là một lần. Các bác sĩ mắt sẽ khẳng định xem chúng ta có mắc dị tật này hay không và truy tìm nguyên nhân đằng sau biểu hiện bề ngoài này.
Trong đa phần các trường hợp người ta không phát hiện thêm được bất kỳ dị thường nào khác. Nếu ai đó bị bệnh ở tuổi trưởng thành thì nên khám bác sĩ mắt ngay để tìm nguyên nhân khả dĩ cũng như có hướng điều trị sớm.
Cần nói rõ là, điều trị dị sắc mống mắt phải là điều trị căn nguyên gây ra nó chứ không phải là trả lại màu sắc bình thường cho mống mắt hay mục đích thẩm mỹ”, BS Hoàng Cương nhấn mạnh.