Ít ngày sau khi Đặng Văn Lâm đầu quân cho một CLB có tiếng tại Nhật Bản, trong nước rộ lên thông tin Quang Hải và Công Phượng đang được một số CLB của xứ Mặt trời mọc quan tâm và có thể xuất ngoại bất cứ lúc nào khiến người hâm mộ hào hứng.
Nói về cầu thủ Việt Nam, ông Kai Hünninghaus - đại diện của CLB Borussia Dortmund (Bundesliga) chia sẻ trên trang Người đưa tin: "Đây là một điều bình thường với những người làm bóng đá ở châu Âu hay các quốc gia có nền bóng đá phát triển khác. Bởi lẽ, câu chuyện bóng đá không chỉ gói gọn chỉ ở trên sân bóng, chúng ta còn phải nhìn nhận ở nhiều góc nhìn khác, đó là về những khía cạnh về thương mại, về sự lan tỏa.
Nếu chúng tôi mua một cầu thủ ở một quốc gia có nền bóng đá chưa thực sự phát triển, thì dĩ nhiên cả quốc gia đó sẽ bất ngờ và quan tâm đến đội bóng một cách khủng khiếp. Hơn tất cả, rất nhiều đội bóng lớn đã làm điều đó và đã thành công.
Các bạn hãy nhìn sang Heerenveen (Hà Lan), trước ngày Văn Hậu sang đó, mấy ai biết tới cái tên của đội bóng này? Giờ thì thử hỏi xem, tôi đảm bảo là gần như toàn bộ NHM Việt Nam đều đã biết tới. Đó là chỉ ở khía cạnh về sự lan tỏa thôi nhé, tôi không muốn nói xa hơn về góc nhìn thương mại", ông Kai Hünninghaus nói.
“Tuy nhiên, nói vậy không đồng nghĩa với việc chúng tôi không hề quan tâm tới trình độ của các cầu thủ. Mà thậm chí, những tuyển trạch viên như tôi có trách nhiệm phải tìm những cầu thủ có đẳng cấp, hoàn toàn có thể phát triển trình độ và chơi bóng ở đẳng cấp cao. Bởi lẽ, nói đi nói lai thì đây cũng chỉ thuần túy là bóng đá.
Thương mại, sự lan tỏa là 5 phần, thì yếu tố chuyên môn sẽ giữ 5 phần còn lại để quyết định đưa một cầu thủ ở nền bóng đá chưa phát triển tới châu Âu.
Dạo gần đây, các đội bóng ở Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan đang đi theo hướng đi như vậy để tìm kiếm những cầu thủ mới, những giá trị mới ở châu Á, châu Phi. Với Borussia Dortmund, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới thị trường cầu thủ ở Việt Nam hay Đông Nam Á, tìm kiếm các cầu thủ có những tố chất đặc biệt. Biết đâu trong tương lai, sẽ có thêm những ngôi sao của các bạn tới đây thì sao?", ông Kai chia sẻ.
Về vấn đề xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam, Lê Huỳnh Đức là cầu thủ Việt Nam tiên phong ký hợp đồng với một CLB nước ngoài - Chongqing Lifan (Trùng Khánh Lực Phàm), sau khi rời CLB Công an TP HCM năm 2001. Anh chơi bốn trận ở giải vô địch Trung Quốc, ghi một bàn. Năm 2002, anh trở về Việt Nam khoác áo Ngân hàng Đông Á, sau đó giải nghệ và huấn luyện Đà Nẵng.
Trong khi đó, Lê Công Vinh có chính là cầu thủ Việt Nam thành công nhất và để lại nhiều dấu ấn nhất khi xuất ngoại. Năm 2009, tiền đạo gốc Nghệ được Hà Nội T&T cho Leixoes mượn ba tháng, thi đấu ở giải vô địch Bồ Đào Nha. Ngày 4/10/2009, Công Vinh đá trọn 90 phút trong trận đấu Uniao de Leiria và trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi ở giải hạng cao nhất tại châu Âu. Anh ghi một bàn trong ba trận trên mọi đấu trường cho Leixoes.
Bốn năm sau, Công Vinh lại xuất ngoại để sang Nhật Bản, đầu quân cho Consadole Sapporo ở J2-League. Anh chơi 9 trận, ghi hai bàn ở J2 và Cup Hoàng đế Nhật Bản. Công Vinh sau đó trở lại SLNA, rồi giải nghệ ở Bình Dương.
Cùng với Công Vinh, Đặng Văn Lâm cũng có được ít nhiều thành công khi xuất ngoại thi đấu. Cựu thủ môn của Hải Phòng gia nhập CLB Muangthong United của Thái Lan vào tháng 1/2019 và sớm trở thành trụ cột của đội bóng này ở mùa giải đầu tiên khi chơi trọn 30 trận ở Thai League 2019.
Thủ môn trưởng thành ở Nga tiếp tục chiếm vị trí chính thức mùa 2020, nhưng bị đẩy xuống ghế dự bị trong những trận cuối. Tháng 1/2021, anh đơn phương chấm dứt hợp đồng với Muangthong, dù bị CLB Thái Lan kiện và gia nhập CLB Cerezo Osaka của Nhật Bản vào sáng 30/1. Văn Lâm trở thành thủ môn Việt Nam đầu tiên ký hợp đồng với CLB ở J-League.
Trong khi đó, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đều không thành công khi sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan thi đấu khi chủ yếu ngồi dự bị và sớm về nước trong lặng lẽ khiến không ít người hâm mộ cảm thấy thất vọng.