Mới đây, tờ báo Đức Spiegel đã hé lộ một thông tin bất ngờ về việc chính quyền Berlin tiếp tục mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga thông qua nước thứ 3, trong khi trước đó đã đưa ra một số biện pháp ngăn chặn.
Ấn phẩm lưu ý rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt chống Nga và chính sách từ bỏ các nguồn năng lượng của Nga, được Liên minh châu Âu tuyên bố sau khi Nga bắt đầu triển khai Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, không có hạn chế chính thức nào được đưa ra đối với nguồn cung cấp LNG từ Liên bang Nga.
“Không có hạn chế pháp lý nào đối với việc cung cấp LNG của Nga cho Liên minh Châu Âu” - Bộ Kinh tế Đức cho biết, đáp lại yêu cầu giải trình từ Liên minh Sarah Wagenknecht.
Đồng thời, tác giả của tài liệu kể lại rằng, cách đây một thời gian, Phó Thủ tướng, đồng thời cũng là Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Hành động vì Khí hậu Đức là ông Robert Habeck, đã cấm cung cấp LNG của Nga cho kho cảng ở Schleswig-Holstein.
Theo Spiegel, chính phủ Đức chỉ đơn giản là giả vờ tuân theo chính sách chung của Liên minh châu Âu (EU) là từ bỏ khí đốt của Nga.
Trên thực tế, bất chấp mọi nỗ lực và tuyên bố, Berlin sẽ không thể hoạt động nếu không có nguồn năng lượng của Nga. Và những tuyên bố về việc không nhập khẩu trực tiếp LNG của Nga sang Đức chỉ là những tuyên bố dài dòng, bởi trước đó, Berlin cũng đã mua khí đốt Nga từ nước thứ 3.
Được biết, trong thời gian đầu sau khi Nga bắt đầu Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, Đức đã tham gia tất cả các biện pháp trừng phạt chính trị, ngoại giao, kinh tế…, chống Nga mà Mỹ đề xướng, thậm chí đã gây tổn hại khá lớn đến lợi ích kinh tế của chính nước này .
Ví dụ, việc từ chối mua khí đốt đường ống của Nga (tuyến ống Dòng chảy phương Bắc – Nord Stream) đã gây ra làn sóng phá sản của các doanh nghiệp công nghiệp lớn ở Đức, bởi do chi phí năng lượng tăng cao, nhiều chủ doanh nghiệp trong số đó đã buộc phải đóng cửa hoặc thay đổi khu vực pháp lý.
Tuy nhiên, sau đó dường như các chính trị gia ở Berlin đã nhận thức được vấn đề và quyết định đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, mặc dù họ không ra mặt công khai chống lại các lệnh trừng phạt của đồng minh Mỹ và các nước khác trong Liên minh châu Âu.
Sở dĩ có điều này là chính Mỹ và Anh, cùng một số nước châu Âu khác vẫn tiếp tục giao thương với Nga, trong một số mặt hàng mà họ không thể có nguồn cung thay thế tương xứng.