Sinh ra trong một dòng tộc nổi tiếng hiển đạt, Đặng Minh Khiêm không chỉ là một nhà khoa bảng lớn triều Lê sơ, mà còn là danh sĩ nổi tiếng được đánh giá là một “thiên danh bút” của trời Nam.
Dòng họ hiển đạt
Đặng Minh Khiêm sinh năm 1456, mất khoảng năm 1522, tự là Trinh Dự, hiệu Thoát Hiên - người xã Mạo Phố, huyện Sơn Vi, nay là thôn Mạo Phổ, xã Lương Lỗ (Thanh Ba, Phú Thọ). Ông thuộc dòng dõi danh tướng Đặng Tất và Đặng Dung trong thời biến loạn hậu Trần.
Họ Đặng là một dòng tộc nổi tiếng có nhiều người hiển đạt và trở thành danh thần ở nhiều triều đại. Cuốn phả cổ về họ Đặng còn giữ cho biết: Họ Đặng ở An Đề (Vũ Thư – Thái Bình) là một gốc lớn. Thời Lý, cụ Đặng Phúc Mãn quê gốc ở lộ Ứng Thiên đi xây hành cung vua Lý. Vì có công nên được vua Lý ban lộc điền ở An Đề.
Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành - Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam, trên thái ấp của mình, cụ Đặng Phúc Mãn đã sinh trưởng nam Đặng Nghiêm.
Cụ Đặng Nghiêm là người thông minh tuấn tú, học hành giỏi giang. Năm Ất Tỵ (1185) đời Lý Cao Tông, Đặng Nghiêm thi đỗ kỳ thi chọn người giỏi thi thư, trở thành người khai khoa cho họ Đặng, cũng là người khai khoa cho xứ Sơn Nam xưa.
Hậu duệ của cụ Đặng Nghiêm thời Trần, xuất hiện các nhà khoa cử: Đặng Diễn – đỗ Nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Kiến Trung thứ 8 đời Trần Thái Tông (1232). Đặc biệt là Đặng Ma La – đỗ Thám hoa khoa thi năm Đinh Mùi niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) khi mới 14 tuổi.
Nhiều con cháu của Đặng Ma La được cử đi sứ nhà Nguyên, như Đặng Hữu Điềm, Đặng Nhữ Lâm. Từ cuốn sách viết về Thiên văn và làm lịch của Trung Quốc, hai cha con cụ Lâm, cụ Lộ đã miệt mài nghiên cứu chế ra “Lung linh nghi” - dụng cụ để khảo sát thiên tượng mà sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi chép.
Con trai cụ Đặng Lộ là Đặng Bá Kiển làm quan và di cư vào cư trú ở phía Nam núi Hồng Lĩnh tạo thành một chi họ Đặng đất Hoan Châu. Hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung là cháu cụ Đặng Lộ làm quan thời nhà Trần ở đất mới Hóa Châu.
Tháng 2 năm Tân Mùi (1391) Hồ Quý Ly đem quân vào Hóa Châu tuần tiễu. Tháng 8 năm đó (1391) Hồ Quý Ly cử Đặng Tất làm Châu Phán, Hoàng Hối Khanh làm Chính hình viện Đại phu cai quản Hóa Châu.
Khi quân Minh kéo sang, cha con Đặng Tất, Đặng Dung và nhiều người con họ Đặng khác đã đứng lên phò Trần Ngỗi - con thứ của vua Trần Nghệ Tông nổi lên ở Mộ Đỗ xưng là Giản Định Đế. Tuy nhiên, Giản Định Đế bị kẻ xấu gièm nên đã giết chết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân.
Vì thế, Đặng Dung, con trai của Đặng Tất mới tôn lập Trần Quý Khoáng lên ngôi - tức Trùng Quang Đế. Dù cố gắng kháng chiến nhưng kết cục, Trùng Quang Đế và Đặng Dung vẫn bị giặc Minh bắt và giải về Kim Lăng, Trung Quốc.
Trên đường đi, các ông đã tuẫn tiết. Em ruột Đặng Dung là Đặng Thiết, Đặng Quang theo gương cha anh khởi nghĩa nhưng sớm thất bại. Một số hậu duệ của Đặng Dung trốn lên vùng Sơn Vi - Mão Phổ (Mạo Phố) sinh cơ lập nghiệp ở đây, và tạo ra một dòng tộc mà thời Lê sơ có rất nhiều người đỗ tiến sĩ, như: Đặng Thiếp đỗ Hoàng giáp khoa Quý Dậu (1453), Đặng Tông Củ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Giáp Tỵ, Đặng Minh Khiêm đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Mùi (1484).
Một số con cháu khác của họ Đặng ở Can Lộc (Hà Tĩnh) sau thời loạn di chuyển về Nghệ An và đã sinh ra dòng họ Đặng Minh Bích. Đặng Minh Bích quê ở Bạch Đường (nay là Đô Lương) đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484) làm quan đến Thượng thư.
Một chi nữa là con cháu Đặng Tất ở Nghệ An đã sinh ra Đặng Sỹ Vinh. Ông đỗ khoa Hoành Từ, được tôn là Nghệ An tứ hổ. Khi đang làm Tri phủ Thiệu Thiên, bất bình với việc quan lại tham nhũng ông cáo bệnh về quê mở trường dạy học. Ông sinh ra một dòng tộc rất đông người ở Nghi Xuân. Dòng tộc này sau có nhiều người thành đạt, tham gia vào nghĩa quân Tây Sơn.
Hổ phụ sinh hổ tử
Một số nguồn sử cho biết, cha của Đặng Minh Khiêm là Đặng Di - đỗ Hoàng giáp năm 1453 dưới triều vua Lê Nhân Tông. Tuy nhiên, các nguồn đăng khoa lục không có tư liệu nào nói về Hoàng giáp có tên Đặng Di. Khoa thi năm 1453 nhằm vào năm Quý Dậu có một người tên là Đặng Chiêm đỗ Nhị giáp Tiến sĩ, sau làm đến Thừa Chính sứ ti Tham nghị ở đất Hóa Châu.
Tham khảo gia phả, Đặng Chiêm đúng là hậu duệ của dòng dõi Đặng Dung và là thân sinh của Đặng Minh Khiêm. Khi đang đương chức, ông từng dâng sớ điều trần 5 việc: Tăng cường phòng thủ cửa bể Tư Dung (nay là cửa Tư Hiền); Lấp Nhuyễn hải khẩu (nay là cửa Thuận An); Mở cửa bể Liên Cừ (nay thuộc xã Thủy Liên, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình); Bãi bỏ chức Nguyên đầu thuế sứ vì không ích lợi và hao tốn công quỹ; Chiêu tập những người lưu lạc để đưa vào khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố Chính (Quảng Bình).
Đặng Chiêm hết lòng mưu phúc lợi cho dân cho nước, được sĩ phu đương thời rất trọng vọng. Tuy nhiên, sách sử rất ít dòng ghi chép nên ngày nay rất ít người biết về ông, cũng như sự nghiệp khoa cử họ Đặng ở Mạo Phổ mà ông là người đặt nền móng.
Sinh ra trong gia đình dòng dõi thi thư, cha là quan lớn nên Đặng Minh Khiêm cũng nối gót nuôi chí khoa danh. Sau rất nhiều vòng thi, năm Đinh Mùi (1487), Đặng Minh Khiêm đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) do Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung vâng sắc soạn, có đoạn: “Ngày mồng 7 tháng 4, Hoàng thượng ngự ở hiên điện, ra câu hỏi về đạo trị nước. Sau khi xem quyển thi, lại gọi các sĩ nhân hạng ưu vào cửa Nguyệt Quang, đích thân xét định thứ bậc.
Lấy Trần Sùng Dĩnh đỗ đầu, Nguyễn Đức Huấn đỗ thứ hai, Thân Cảnh Vân đỗ thứ 3, đều ban cho hạng Tiến sĩ cập đệ; bọn Vũ Cảnh 30 người được ban Tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Trân 27 người được ban đồng Tiến sĩ xuất thân. Đó là sự tuyển chọn rất thận trọng vậy.
Ngày mồng 4 tháng 5, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, loa truyền gọi tên người thi đỗ, các quan mặc triều phục chúc mừng, rước bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa. Sĩ tử, dân chúng kéo nhau đến xem, đều bảo: Đời thánh văn minh, nhân tài đông đảo, thật là cuộc gặp gỡ tốt đẹp của đời thịnh.
Việc ban thưởng phẩm vật nghi thức y như điển cũ. Hoàng thượng cho rằng việc ban ân sủng chỉ vẻ vang nhất thời, còn họ tên phải khắc vào bia đá mới có thể truyền tới lâu dài. Bèn sai Bộ Công mài đá đề danh, lại sai thần là Nhân Trung viết bài ký ghi lại sự việc”.
“Thiên danh bút” trời Nam
Sau khi đỗ đạt, Đặng Minh Khiêm được bổ chức quan, tuy nhiên lịch sử lại không chép rõ ông được nhận chức vụ gì. Năm Tân Dậu (1501), ông làm Thị thư Viện hàn lâm, vâng mệnh đi sứ sang nhà Minh.
Năm Kỷ Tỵ (1509), ông lại được đi sứ sang nhà Minh lần thứ 2. Khi về, ông được thăng chức Tả thị lang bộ Lại, rồi Thượng thư bộ Lễ kiêm Phó Tổng tài sử quán và coi việc ở cục Chiêu Văn. Trong đời vua Lê Chiêu Tông, Hoàng giáp Đặng Minh Khiêm vâng mệnh sửa lại bộ “Đại Việt lịch đại sử ký”.
Sau ông chạy theo Lê Chiêu Tông vào Thanh Hóa, rồi mất ở Hóa Châu, thọ khoảng 66 tuổi, một số nguồn sử liệu khác ghi ông thọ trên 70 tuổi.
Vì thời loạn lạc nên có lẽ sử sách chép về các nhà khoa bảng nói chung, về Đặng Minh Khiêm khá sơ lược. Ngoài việc đỗ đạt, 2 lần đi sứ, tham gia biên sửa sách sử… thì gần như không có thông tin nào về sự nghiệp làm quan của ông. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn chương, Đặng Minh Khiêm đã để lại những trước tác nổi tiếng, như: “Giang Tây khúc thuyền thi tập” (tập thơ chèo thuyền ở Giang Tây), làm khi đi sứ; “Việt Giám vịnh sử tập” (tập thơ vịnh sử làm tấm gương soi của nước Việt), còn gọi là “Thoát Hiên vịnh sử tập” gồm 3 tập, 125 bài thơ chữ Hán làm theo thể thất ngôn tuyệt cú, vịnh 125 nhân vật (đế vương, tông thất, danh thần, danh nho, tiết nghĩa…) từ thời Kinh Dương Vương đến thời hậu Trần.
Ngoài thơ vịnh, mỗi nhân vật đều có một tiểu dẫn sơ lược về lai lịch và hành trạng. Trong tập thơ, Phan Huy Chú đánh giá “những chỗ khen, chê, bỏ lấy, đều có ý sâu xa”, được nhiều danh sĩ xưa coi là một “thiên danh bút”, là một áng “văn chương kiệt tác” (Lê Quý Đôn), được rất nhiều người truyền tụng.
Sau, Tiến sĩ triều Lê là Hà Nhậm Đại đã mô phỏng tập thơ này làm ra tập “Lê triều khiếu vịnh thi tập” (tập thơ ca vịnh dưới triều Lê), có câu: Tiết nghĩa do lai báo tự thiên/Nhất môn dịch diệp thế tương truyền/Thị phi công luận chân lương sử/Đáo xứ nhân giai thuyết Thoát Hiên.
(Dòng dõi tiết nghĩa được trời đền đáp/ Một nhà kế tiếp vinh hiển, truyền đời nọ sang đời kia/ Công luận về lẽ phải trái, thật là pho sử tốt/ Đến đâu cũng thấy người ta nói về thơ Thoát Hiên).
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, danh sĩ triều Nguyễn là Phan Huy Chú cũng có lời ca ngợi ông như sau: “Ông (Đặng Minh Khiêm) học vấn rộng rãi, chân chính, khẳng khái, có tiết tháo lớn… Bấy giờ trong nước lúc đó có nhiều biến cố, ông vẫn nghiêm sắc mặt đứng giữ triều đình, có khí tiết cứng cỏi, không lay chuyển được.
Ông lấy hiệu là Thoát Hiên tiên sinh, giữ mình thẳng thắn, không ỷ lại phụ họa với ai. Sau ông biết thời sự không thể làm được, nên mượn sử sách ngâm vịnh để tiêu khiển. Văn chương ông thanh nhã, dồi dào, đời vẫn truyền tụng. Ông là người có văn học tiết tháo, là bậc danh nho đầu đời Lê. Sử khen ông là bậc khoa danh. Người ta cho là Đặng Tất, Đặng Dung có con cháu khá”.
“Nhân tài phồn thịnh vẫn quan hệ ở khí chất biến hóa của trời đất, nhưng chủ yếu vẫn do ở nền giáo hóa. Nay khí hóa thuần nhất rộng tỏa, trị giáo sáng tỏ đẹp cùng trời đất. Kẻ sĩ được đề danh vào bia đá này… phải đem lòng trung nghĩa tự hẹn với mình, làm sao danh và thực hợp nhau, làm những việc hợp sở học để làm nên sự nghiệp to lớn quang minh, khiến thiên hạ đời sau phải nhón chân lên mà nhắc nhở thanh danh, mến mộ khí tiết. Ngõ hầu trên không phụ ơn triều đình dưỡng dục, dưới không phụ hoài bão thường ngày thì tấm đá khắc ra sẽ đời đời không mục vậy…” - trích đoạn Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487).