Vị hiệu trưởng tâm huyết xây dựng đại học nghiên cứu

GD&TĐ - Nhìn vị trí xếp hạng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) - TPHCM hiện tại, nhiều người khó có thể hình dung được diện mạo của ngôi trường cách đây khoảng 1 thập kỷ. Câu hỏi đặt ra: “Điều gì khiến TDTU phát triển một cách mạnh mẽ như vậy?”. Ẩn đằng sau sự thành công, phát triển này là một tình yêu công việc và những quyết sách đúng của GS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng đương nhiệm của nhà trường.

GS Lê Vinh Danh tại Ngày hội khai trường, Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan thuộc TDTU
GS Lê Vinh Danh tại Ngày hội khai trường, Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan thuộc TDTU

Thành công từ những thách thức

Một giảng viên của TDTU từng chia sẻ rằng, cô là một trong số ít ỏi nhân sự được tuyển dụng của ngành CNTT còn trụ lại TDTU. Những người về cùng đợt với cô lần lượt đi tìm miền đất khác bởi chịu không nổi áp lực về nghiên cứu khoa học (NCKH). Và mỗi lần có những biến động về nhân sự như thế là hiệu trưởng phải xuống dự họp lắng nghe ý kiến của giảng viên và động viên mọi người làm việc.

GS Lê Vinh Danh cho biết, từ năm 2007, ông đã xác định: “Một ĐH mà không nghiên cứu tốt để liên tục có phát kiến và sáng tạo, thì đó chỉ là trường phổ thông trung học cấp 4 hay trường dạy nghề. Cao lắm cũng chỉ là ĐH thực hành hay ĐH nghề nghiệp. Vì muốn là một ĐH đúng nghĩa, TDTU phải là ĐH nghiên cứu đa ngành”. Từ quan điểm này, ông cố gắng tạo sự đồng thuận từ viên chức, giảng viên đến hội đồng quản trị (vì lúc đó TDTU còn pháp nhân ĐH bán công) để ban hành kế hoạch 30 năm (2007 - 2037) phát triển Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng thành ĐH nghiên cứu tinh hoa trong TOP 500 của thế giới. Mặc dù vào thời điểm đó, hầu như không ai tin khả năng đạt được mục tiêu này cả.

Khi đã quyết tâm phát triển TDTU theo hướng ĐH nghiên cứu tinh hoa, ông phải đồng thời lo nghĩ cho cùng lúc hàng trăm công việc khác nhau: (a) phải có hệ thống phòng lab đa dạng và đủ mạnh để phục vụ nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu mà muốn có điều (a) thì phải có (b) là có cơ sở trường học đàng hoàng (lúc đó, TDTU chỉ có một cơ sở duy nhất, rộng 2.850m2); và (c) phải có nhân sự đủ mạnh mới sử dụng hiệu quả các lab, phòng thí nghiệm để nghiên cứu và sáng tạo; (d) muốn có nhân sự mạnh, thì phải vừa đào tạo vừa thu hút mới; (e) muốn thu hút, đào tạo nhân sự, giữ chân được nhân sự; xây dựng được cơ sở vật chất trường học hiện đại... thì phải có tiền; (f) muốn có tiền, thì phải có uy tín, có người học; (g) muốn có uy tín, có người học, có nhân sự giỏi chịu về làm việc; thì phải có các điều (a), (b), (c), (e), (f). Ông bảo, tình cảnh của TDTU lúc đó gần như chuyện con gà và quả trứng, cái gì phải có đầu tiên?

Tập thể sư phạm nhà trường lúc đó cũng đã từng tranh cãi về gà và trứng. Không ít người lúc đó đã kiến nghị rằng cần phải được Nhà nước mua cho “con gà” trước, như những đại học công lập khác; sau đó, trường mới quản trị để con gà đẻ được nhiều trứng. Ông là người phải giải thích, chứng minh để mọi người thấy khả năng đó hoàn toàn không thể và cũng không nên. Thế là nhà trường phải đồng thời lo mua trứng và mua gà cùng một lúc. Với ông, đó là một giai đoạn muôn vàn khó khăn.

Hằng năm, ông vẫn phải tập huấn cho lãnh đạo đơn vị chủ chốt của mình ít nhất 1 lần; tiếp xúc với giảng viên, viên chức ít nhất 2 lần; để cùng trao đổi về mục tiêu trung hạn, ngắn hạn và hằng năm của trường; giúp họ hiểu, đồng thuận, và chia sẻ để xây dựng sự ổn định, bền vững.

GS Lê Vinh Danh phát biểu tại một sự kiện khoa học của TDTU
 GS Lê Vinh Danh phát biểu tại một sự kiện khoa học của TDTU

NGƯT-GS Lê Vinh Danh vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2010); Huân chương Lao động hạng Nhì (2016); được nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Nanhua, Đài Loan; Chức vụ Hiệu trưởng danh dự Đại học Tomas Bata in Zlín, Cộng hòa Czech; Được bầu làm Chủ tịch Mạng lưới hợp tác đại học quốc tế nhiệm kỳ thứ nhất…

Tạo bước ngoặt mới về tự chủ ĐH

Một kỷ niệm khi hỏi thì ông nhớ ngay, đó là dịp Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vào thăm TDTU và 2 tháng sau, ông được Chính phủ mời ra báo cáo điển hình về kinh nghiệm tự chủ tài chính của TDTU. Sau sự kiện này 2 tháng nữa, thì Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 “Về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017” ra đời, mở đường cho tất cả các đại học công lập làm tự chủ.

Ông chia sẻ, nó đáng nhớ vì trước đó TDTU tự chủ giống như “tự chủ chui”, chẳng được ai thừa nhận. Có người nói là “đại học chẳng giống ai”. Bởi ĐH công lập mà lại không được Nhà nước và cơ quan chủ quản đầu tư (trong khi Luật qui định đại học công lập do Nhà nước đầu tư); cũng chẳng phải đại học tư vì đại học tư được nhiều quyền hơn: thu phí cao, được quyền sử dụng lao động ngoài tuổi qui định (thậm chí có đại học tư có danh sách giảng viên gồm cả người đã qua đời), được trả lương, thu nhập tùy ý; đại học công nhưng những quyền lợi của đại học công thì hầu như không có.

Từ khi TDTU được báo cáo điển hình và từ điển hình này, Chính phủ ban hành Nghị quyết tự chủ, mô hình của TDTU mới được thừa nhận. Nghĩa là thoát được thân phận “làm chui”. Với NQ 77, TDTU phát triển càng nhanh hơn nữa do có nhiều thuận lợi mà NQ 77 mang lại. Kể từ 2015 trở về sau, TDTU tạo ra bước ngoặt mới mang tính khởi đầu, như thành công về Nhóm nghiên cứu, cơ sở trường học đạt chuẩn quốc tế 5 sao/5 sao, xây thư viện hiện đại nhất Đông Nam Á, đặt chuẩn đầu ra bắt buộc bằng chuẩn tiếng Anh quốc tế, chuẩn tin học văn phòng bằng MOS, chú trọng thể dục thể thao để đào tạo con người toàn diện, đặt mục tiêu đạt kiểm định và xếp hạng quốc tế…

Một điểm đáng chú ý khác, TDTU tập trung giáo dục sinh viên phải báo hiếu cha - mẹ, lễ phép, kỷ cương, tuân thủ pháp luật, quan tâm đến quyền lợi người khác, giữ trường ốc sạch sẽ, tập văn hóa xếp hàng và ứng xử văn minh nơi công cộng... Những điều này đã và đang tạo nên một luồng gió mới trong hệ thống GDĐH tại VN.

Có đại diện một trường đã tâm sự với ông, “Đến TDTU, về, biết là không thể làm được như thầy. Nhưng đã quyết định, không làm được cả 100 điều, thì ít nhất cũng học và làm được 2, 3 điều...”. Đây là điều khiến ông rất cảm động. Nó như một lý giải biện chứng, năng lượng, ánh sáng của TDTU từ chỗ âm thầm, nay đã lan tỏa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.