Về nơi "nước mắt hòa nước mắt"

Về nơi "nước mắt hòa nước mắt"

(GD&TĐ) - Đi tới nơi đâu trên quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt những ngày trước, trong và sau tang lễ, chúng tôi cũng có cảm tưởng như “nước mắt hòa nước mắt”.

Anh 1-Sau le an tang.JPG
Người dân Quảng Bình tiễn biệt vị tướng tài danh

Trời đất như thấu hiểu lòng người

Suốt một ngày trước khi diễn ra Lễ viếng tại Hội trường UBND tỉnh, đất trời Quảng Bình mưa ròng rã. Những dòng xe, dòng người vẫn đi trong mưa, quên hết cảm giác về cái lạnh. Ai đó đã thốt lên:” Ông trời cũng khóc đó mà!”. Trong màn mưa giăng giăng, hai bên đường dẫn ra Hội trường, các em học sinh vẫn ôm ảnh Đại tướng đứng lặng lẽ trang nghiêm.

Sáng ngày 12/10, dòng người xếp hàng hàng chờ tới lượt vào viếng vẫn lặng lẽ, trật tự trong mưa nơi tiền sảnh. Có đoàn phải chờ hàng vài tiếng đồng hồ. Nhưng không một tiếng nói chuyện, ồn ào…Có lẽ trong cuộc đời họ, chưa bao giờ chứng kiến một tang lễ đặc biệt như thế.  

Nước mắt của đất trời tạm ngưng trong ngày đưa linh cữu người con ưu tú của quê hương về với đất Mẹ, còn nước mắt của mọi người con Quảng Bình và của người dân cả nước vẫn không dứt. Màu nắng phơi rơm nhàn nhạt phủ khắp làng quê, phủ khắp Vũng Chùa - Đảo Yến cả ngày 13/10 hôm ấy càng làm tăng thêm cảm giác nhớ tiếc da diết trong lòng người.

Hơn 40 km đường dẫn tới nơi an táng chật kín người. Có cả những gia đình 3 thế hệ cùng hòa vào dòng người đông đúc, lại có cả những thương binh, chân đeo nạng gỗ, chậm chạp nhích từng bước. Xúc động nhất vẫn là những đoàn cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến - những con người đã từng kinh qua biết bao trận mạc, luôn tự hào là “lính cụ Hồ, lính ông Giáp”. Những chàng trai, cô gái năm xưa không tiếc tuổi xuân, dạn dày đạn bom sương gió, nay cúi gập mình trong nỗi đau đớn khôn nguôi. Họ nghẹn ngào gọi khẽ: “Anh Cả ơi! Anh Văn ơi!”.

Không quản ngại đường sá xa xôi, từ khắp muôn nẻo quê hương, nhiều người đã đến bằng được nơi an nghỉ của Đại tướng để dâng nén hương thơm kính viếng hương hồn Người. Bà Hoàng Thị Lan (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) người dân thủ đô may mắn được chứng kiến nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng, tâm sự: “Nếu như không thực hiện được hành trình này thì chúng tôi ân hận suốt đời. Trong thời kỳ bom đạn chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng trong lòng chúng tôi, là thần tượng không ai thay thế được. Tôi cũng như bao đồng đội của mình đều tha thiết muốn gần Người trong những giây phút thiêng liêng này!”.

Trong dòng người bất tận đến tiễn đưa Người, rất nhiều người khi được hỏi đã không thể nói với chúng tôi bất cứ điều gì, chỉ có những giọt nước mắt cứ thế lăn dài. Lễ an táng kết thúc nhưng hàng vạn người vẫn còn nấn ná không nỡ rời xa, dâng một nén tâm nhang, kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Người, Đại tướng ơi!

Sự ra đi vượt qua quy luật

Khác hẳn với ý nghĩ của chúng tôi trước khi đặt chân tới ngôi nhà xưa của Đại tướng tại làng An Xá, huyện Lộc Thủy, cho rằng, với lượng người đông đúc ở khắp mọi miền đất nước đổ về đây suốt cả tuần lễ để vào viếng Đại tướng, sẽ chẳng còn ai có thể quan tâm đón khách phương xa.

Ngay ở những đoạn đường từ Quốc lộ dẫn vào làng, ở những khúc cua để đến ngôi nhà, khách còn đang bỡ ngỡ để “tìm đường đã nghe chất giọng Quảng Bình nhỏ nhẹ cất lên: “Vào nhà Bác hả? vào nhà Bác lối này này”.

Một cụ già trên 80 tuổi đến thắp nhang nơi bàn thờ Đại tướng quay ra xúc động nói với chúng tôi: “Từ đây, trong mỗi nếp nhà của người dân Lệ Thủy, có thêm một bàn thờ Bác nữa!”. Chị Nguyễn Thị Mùi ở xã Thanh Trạch, Bố Trạch ở Quảng Bình kể: “ Mấy ngày qua, hai vợ chồng tôi bỏ hết công ăn, chuyện làm để theo dõi truyền hình về Bác. Xúc động lắm, tự hào lắm chứ. Cả thế giới biết đến một vị tướng tài như vậy lại ở quê mình. Mà vị tướng ấy lại giản dị, liêm khiết, yêu quê mình lắm”.

Không chỉ trong những ngôi nhà dân, ở các trường học, tụ điểm, quán xá dọc đường Quốc Lộ kéo dài khắp các nẻo đường miền Trung, người dân đều bật ti vi để sẵn kênh thời sự từ sáng tới đêm. Có nơi còn nối cả loa phóng thanh để khách qua đường nghe được rõ những phóng sự về Đại tướng.

Mới biết, sự ra đi của Đại tướng đã trở nên quá đặc biệt, vượt ra khỏi quy luật bình thường của sinh, lão, bệnh, tử. Từ vùng núi rừng xa xôi ở xã Vĩnh ô, Vĩnh Linh (Quảng Trị) ông Hồ Văn Lới, người dân tộc thiểu số Vân Kiều đã đi cùng con cháu để tới được Nhà lưu niệm Đại tướng và tới tận cả nơi an táng, dụi dụi đôi mắt đỏ hoe nói:  “Tui khóc Bác mấy ngày rồi. Nói răng cũng không hết tình cảm của bà con Vân Kiều với Bác Giáp. Không có Bác Hồ, Bác Giáp thì bà con mình còn cơ cực, không được như thế này đâu! Ơn Bác Hồ, ơn Bác Giáp là ơn trời bể. Bà con mình không quên Người đâu!”.

Anh 2..JPG
Từng đoàn học sinh nối dài chờ đoàn linh xa từ Cảng Hàng không Đồng Hới chở linh cữu Đại tướng đi qua.

Động lực dạy - học và phấn đấu

Liên tục 2 ngày diễn ra tang lễ, các hãng báo chí truyền hình trong và ngoài nước đã đưa những hình ảnh cảm động, trong đó, có hình ảnh của các em học sinh ở các trường THPT của Quảng Bình xếp thành hàng hai bên đường, ôm ảnh Bác, đứng lặng lẽ trong mưa, chờ đón đoàn linh xa từ Cảng Hàng không Đồng Hới đi qua để tới nơi an táng; hay hình ảnh 103 em học sinh tiểu học trong toàn tỉnh mặc đồng phục màu trắng, đeo khăn quàng đỏ, cúi đầu tưởng niệm tại lễ viếng.

Đặc biệt, những ai quan sát kỹ, sẽ thấy trên ngực áo của các em có dòng chữ: “ Nếu không có chiến tranh, tôi đã là thầy giáo dạy Sử”. Câu nói giản dị của vị tướng văn võ vẹn toàn từng là một thầy giáo dạy lịch sử nổi tiếng đã đánh thức niềm tự hào của hàng ngàn giáo viên và học sinh của ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình, để thôi thúc các em tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của người con ưu tú số một trên quê hương, từ đó tạo thêm động lực dạy - học và phấn đấu. 

Nhóm PV miền Trung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.