DN khó tiếp cận
Hưởng ứng và thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, cũng như thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói cho vay ưu đãi với lãi suất chỉ từ 6 - 9%/năm. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dành gói 3.000 tỷ đồng để triển khai chương trình “Ưu đãi lãi suất, tiếp sức thành công” với mức lãi suất vay từ 7 - 9%/năm cho các DN nhỏ và vừa.
Tương tự, Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam (Eximbank) đã dành tới 10.000 tỷ đồng cho chương trình “Tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi dành cho các DN XNK”, với mức lãi suất vay ngắn hạn chỉ từ 6%/năm giúp DN thuộc các lĩnh vực: Da giày, dệt may, nông sản, thủy hải sản... bổ sung vốn kinh doanh… Ngoài các ưu đãi trên, các ngân hàng còn cam kết đưa ra những giải pháp hỗ trợ khác như: Dịch vụ tư vấn tài chính, hỗ trợ tìm kiếm khách hàng và thị trường đầu ra để tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng trả nợ, tái cơ cấu nợ, tái cấu trúc DN…
Nói về những ưu đãi khi vay vốn, đại diện một DN xuất khẩu (XK) cho rằng, công ty họ là DN sản xuất và XK với lượng đơn hàng lớn, ổn định nên được các ngân hàng xếp hạng tín nhiệm cao. Vì thế, DN luôn được các ngân hàng chào đón vay vốn với mức lãi suất ưu đãi nhất, từ đó DN không mấy quan tâm tới những chương trình khuyến mãi theo gói tín dụng như trên.
Tuy nhiên, đây không phải là số nhiều DN có thể thuận lợi tiếp cận được các khoản vay ưu đãi. Theo đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), các chương trình cho vay ưu đãi của các ngân hàng thường là những gói tín dụng ngắn hạn, phục vụ vốn lưu động trong thời gian không quá 6 tháng, nên khó phù hợp với các DN da giày. Bởi các DN ngành này thường mất đến 6 tháng mới hoàn thiện đơn hàng, chưa kể thời gian chờ khách hàng nhận hàng và thanh toán, nên việc tiếp cận còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, DN da giày thường là DN nhỏ và siêu nhỏ, nhà xưởng phải đi thuê nên không đủ điều kiện để ngân hàng chấp nhận cho vay.
Cần một cơ chế thuận lợi
Nhìn chung, với các chương trình vay vốn lãi suất ưu đãi của ngân hàng, lãi suất cụ thể mà DN được hưởng ưu đãi bao nhiêu luôn dựa vào việc DN được xếp hạng tín dụng tốt, phương án kinh doanh có tính khả thi và hiệu quả.
Theo đại diện của một số ngân hàng cho biết, các chương trình ưu đãi luôn nhận được sự hưởng ứng khá tích cực của DN. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho vốn vay và hoạt động ngân hàng, điều kiện để DN tiếp cận được còn tùy thuộc vào “khẩu vị” rủi ro của ngân hàng như: DN kinh doanh thuộc lĩnh vực không đảm bảo, DN không có phương án kinh doanh tốt, DN từng có nợ xấu, dư nợ của DN đã đạt ngưỡng cao không thể tiếp tục cho vay được nữa… Do đó, không phải cứ có lãi suất ưu đãi là DN nào cũng có thể tiếp cận nguồn vay.
Theo đại diện một DN trong ngành XNK rau quả, các gói ưu đãi của ngân hàng luôn hấp dẫn các DN, nhưng để tiếp cận vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi, các DN vừa và nhỏ, DN mới hoạt động, DN còn non yếu mới cần sự hỗ trợ nhiều về vốn. Vì thế, có ngân hàng đặt điều kiện cho vay trong trường hợp DN hoạt động ít nhất 1 năm, doanh thu hàng năm từ 5 tỷ trở lên thì không phải DN mới thành lập nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu đó.
Do vậy, nhiều DN mong muốn các ngân hàng nên xem xét lại cơ chế cho vay, tạo thuận lợi, phù hợp với điều kiện của DN Việt Nam, đặc biệt, các gói tín dụng nên tập trung vào vốn vay trung và dài hạn để DN có đủ thời gian quay vòng vốn, có điều kiện trả nợ. Bên cạnh năng lực của DN không đủ, hệ thống ngân hàng có thể còn vì “một lý do nào đấy” nên không thể đáp ứng nhu cầu về vốn của DN...
Tại Hội thảo báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian gần đây, các ngân hàng gom tín dụng huy động được để mua trái phiếu Chính phủ nhiều hơn nên động cơ phục vụ DN giảm đi. Nguyên nhân vì qua kênh trái phiếu, ngân hàng sẽ huy động được nhiều vốn hơn, lãi suất trái phiếu tốt hơn, ổn định hơn nên là kênh huy động hấp dẫn và an toàn, đây cũng là một phần nguyên nhân khiến lãi suất tăng mạnh trong thời gian qua.