VAR bị lợi dụng?

GD&TĐ - Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh cho biết sẽ thực hiện cuộc bỏ phiếu về sự tồn tại của VAR (Video Assistant Referee).

Đường kẻ (áp dụng giống công nghệ VAR) từ trang FutOffisdes cho thấy De Bruyne đã việt vị khi kiến tạo cho Erling Haaland ghi bàn, trận Man City thắng Tottenham 2-0 ngày 15/5. Ảnh: INT
Đường kẻ (áp dụng giống công nghệ VAR) từ trang FutOffisdes cho thấy De Bruyne đã việt vị khi kiến tạo cho Erling Haaland ghi bàn, trận Man City thắng Tottenham 2-0 ngày 15/5. Ảnh: INT

Nếu số phiếu chống đạt mức quy định, VAR sẽ bị xóa sổ sau 5 năm áp dụng ở sân cỏ nước Anh.

Nhức nhối vì… VAR

Wolverhampton, đội bóng hiện đứng 13 sau 37 vòng chính thức đề nghị Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh loại bỏ VAR. Trong đơn của đội bóng này liệt kê 9 tác động tiêu cực từ việc áp dụng VAR, có đoạn: Chúng tôi đang tìm kiếm kết quả tốt nhất có thể cho bóng đá và các bên liên quan.

Không phủ nhận những cố gắng của ban tổ chức khi đưa công nghệ vào sân bóng nhằm nâng cao chất lượng trận đấu. Tuy nhiên, sau 5 mùa áp dụng, đã đến lúc cần có một cuộc tranh luận mang tính xây dựng và phê phán về tương lai của nó.

Theo quan điểm của Wolverhampton, đội bóng này đã phải trả giá không nhỏ về những sai lầm của VAR. Điều đó là đi ngược lại với tinh thần công bằng, cống hiến của thể thao. Vậy nên, cần loại bỏ VAR từ mùa giải 2024-2025 trở đi.

Wolverhampton chia sẻ thêm rằng, họ chấp nhận quyết định giới thiệu VAR là “được thực hiện với thiện chí” và “với lợi ích tốt nhất cho bóng đá” là trọng tâm. Tuy nhiên, giờ đây VAR đã gây ra “nhiều hậu quả tiêu cực” và Wolverhampton cáo buộc rằng, những hậu quả đó đang “làm tổn hại đến mối quan hệ giữa người hâm mộ và bóng đá” cũng như “làm suy yếu giá trị thương hiệu Ngoại hạng Anh”.

VAR xuất hiện để giảm sự tranh cãi trong các pha bóng nhạy cảm trên sân, đồng thời đem lại sự công bằng và chính xác cho trận đấu. Nhưng thực tế lại không diễn ra như thế. VAR đang mang đến những quyết định gây tranh cãi, “tiếp tay” cho các trọng tài mắc quá nhiều sai sót.

Đơn cử như trận đấu giữa Tottenham và Man City diễn ra vào ngày 15/5, kết quả ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đua vô địch mùa này, tổ trọng tài đã bỏ qua tình huống Kevin De Bruyne việt vị khi kiến tạo cho Erling Haaland mở tỷ số.

Sau trận đấu với Man Utd, rạng sáng 16/5, tiền đạo Anthony Gordon của Newcastle chỉ trích kịch liệt VAR và cũng đòi loại bỏ công nghệ này. “Tôi xem lại và thấy đó là quả phạt đền rõ ràng (Gordon bị Sofyan Amrabat giẫm vào gót chân trong vòng cấm - P.V).

Tôi không quan tâm trọng tài đã đưa ra quyết định sai trong sân nhưng không hiểu vai trò của VAR là gì. Nhiệm vụ của nó là sửa chữa sai lầm của trọng tài. Tôi đã đợi VAR vào cuộc nhưng trận đấu vẫn diễn ra bình thường, còn tất của tôi đã bị rách”, Anthony Gordon lên tiếng. Trận này Newcastle thua Man Utd 2-3, chính thức hết cơ hội đua tranh suất dự Europa League mùa tới.

Ngoài ra, truyền thông Anh cung cấp thông tin, từ khi áp dụng, VAR mắc rất nhiều sai lầm nghiêm trọng, trong các tình huống rất nhạy cảm như thẻ đỏ hay không thẻ đỏ, phạt đền hay không phạt đền, bàn thắng hay không bàn thắng và việt vị hay không việt vị.

“Nạn nhân” của VAR lần lượt gần như tất cả các đội tham dự Ngoại hạng Anh. Ngay cả những đội bóng đại gia như Man City, Man Utd, hay Liverpool, Arsenal cũng nhiều lần “khóc hận” vì VAR, chứ không chỉ những đội bóng yếu thế như Wolverhampton, hay Sheffield Utd và Burnley sẽ xuống hạng mùa này. Cơ quan quản lý trọng tài chuyên nghiệp Anh không ít lần lên tiếng xác nhận VAR sai, đồng thời xin lỗi đội bóng, cầu thủ chịu thiệt.

Công nghệ VAR đứng trước nguy cơ loại bỏ ở giải Ngoại hạng Anh. Ảnh: INT

Công nghệ VAR đứng trước nguy cơ loại bỏ ở giải Ngoại hạng Anh. Ảnh: INT

VAR sai, hay người sai?

Trong một bài phỏng vấn hồi tháng 3 vừa qua, ông Tony Scholes – Giám đốc điều hành Ngoại hạng Anh thừa nhận, VAR chưa mang đến niềm tin như mong đợi và việc kiểm tra mất quá nhiều thời gian, kéo theo nhiều trận đấu có thời gian bù giờ kéo dài hàng chục phút, thậm chí có hiệp đấu được bù giờ đến 15 phút, ảnh hưởng rất nhiều trong kế hoạch truyền hình trực tiếp. Ngoài ra, ông Tony

Scholes nêu quan điểm “VAR không hoàn hảo” và cần phải hoàn thiện về thời gian kiểm tra VAR cũng như cải thiện cảm giác của khán giả tại sân vốn đang không tốt.

Mặc dù vậy, sau đơn khiếu nại của Wolverhampton, VAR chưa chắc còn tồn tại ở mùa tới. Ông Ange Postecoglou – huấn luyện viên trưởng Tottenham Hotspur như “đổ thêm dầu vào lửa” khi cho rằng, VAR làm phức tạp thêm các vấn đề của trận đấu mà ông nghĩ rằng đã quá rõ ràng.

Từ đó, người ta đặt ra câu hỏi, Ban tổ chức Ngoại hạng Anh sẽ làm gì để ngăn chặn VAR tiếp tục sai lầm, cũng như VAR có đang đi đúng mục đích không?

Trước sự phản đối ngày càng nhiều về VAR, người phát ngôn của Ngoại hạng Anh cho biết: Chúng tôi có thể xác nhận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc thảo luận về VAR với các câu lạc bộ tại cuộc họp thường niên vào tháng tới (ngày 6/6, P.V).

Các câu lạc bộ có quyền đưa ra đề xuất, cũng như chứng cứ và chúng tôi sẽ ghi nhận dựa trên cơ sở thực tiễn.

Thế nhưng, cũng cần phải nhấn mạnh, VAR chỉ đóng vai trò hỗ trợ trọng tài. Nói cách khác, công nghệ này vẫn nằm trong tay con người, tức tổ trọng tài VAR. Và trọng tài chính là người đưa ra quyết định cuối cùng, cao nhất trên sân. Vấn đề đặt ra, VAR sai, hay tổ trọng tài VAR sai?

Liệu có nên đặt ra câu hỏi về chất lượng tổ trọng tài VAR? Nhiều tình huống có thể sai, tổ trọng tài VAR đã không phát tín hiệu đến trọng tài chính như lời nhắc nhở nhằm bảo đảm trận đấu diễn ra khách quan, chính xác. Thậm chí có giả thuyết cho rằng, chính các trọng tài cố tình sử dụng VAR sai cách để công nghệ này bị bãi bỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng, tổ trọng tài VAR phải hoạt động độc lập, không thuộc nhóm các trọng tài điều hành trận đấu. Cùng với đó, hình ảnh và âm thanh các cuộc đối thoại giữa trọng tài với nhóm VAR phải được công khai, đồng thời cơ quan quản lý Ngoại hạng Anh cần tìm ra nguyên nhân đích thực của những sai lầm, xử lý rốt ráo trước khi tiến hành bỏ phiếu quyết định số phận của VAR.

Wolverhampton còn chỉ ra nhiều hệ lụy khác, như VAR đã tác động tiêu cực đến cảm xúc người xem, cầu thủ, mang đến sự thất vọng cũng như trì hoãn không cần thiết do quá trình kiểm tra kéo dài, đồng thời tạo ra bầu không khí tiêu cực giữa các nhóm cổ động viên. VAR đã chệch hướng, không còn bảo đảm “sứ mệnh” là sửa chữa những sai lầm của trọng tài. Thậm chí, giờ đây, các vua sân cỏ có dấu hiệu lạm dụng VAR, lấy công nghệ này làm bình phong cho những sai lầm. Wolverhampton còn nêu quan điểm, đằng sau những quyết định không thuyết phục, VAR có dấu hiệu thúc đẩy sự tham nhũng.

Theo The Sun

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ