“Từ nay đến cuối năm còn 5 tháng, về lý thuyết vẫn có khả năng giá vàng sẽ leo thang cán mốc 60 triệu/lượng, nhưng tất cả nhà đầu tư đều hiểu thị trường vàng đang biến động rất mạnh. Vàng có thể giảm bất cứ lúc nào khi lượng cầu suy giảm hoặc bị bán chốt lời”, TS Nguyễn Trí Hiếu – cố vấn đầu tư Công ty cho vay ngang hàng VFL nói.
Đồng USD suy yếu đã tạo động lực đẩy giá vàng lên đỉnh cao mới. Vào lúc 14 giờ 36 phút chiều 24/7, giá vàng SJC giao dịch tại Doji Hà Nội là 54,10 - 55,18 triệu đồng/lượng, tăng 950 nghìn đồng/lượng mua vào và tăng 830 nghìn đồng/lượng bán ra so với chốt phiên ngày 23/7.
Tại hệ thống Bảo Tín - Minh Châu, giá vàng giao dịch 54,10 - 55,10 triệu đồng/lượng, tăng 800 nghìn đồng/lượng mua vào và tăng 850 nghìn đồng/lượng bán ra so với chốt phiên ngày 23/7.
Còn ở hệ thống SJC Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, giá vàng mua vào đều tăng 500 nghìn đồng và bán ra tăng 800 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên ngày 23/7, giao dịch xung quanh mốc 54 - 55,62 triệu đồng/lượng so với chốt phiên 23/7.
Theo đại diện Tập đoàn vàng bạc Doji, việc không ngừng tăng của giá vàng trong nước đã khiến khách hàng rất quan tâm, cộng thêm mối lo ngại sự trượt giá của dòng tiền nên một số nhà đầu tư đã chọn phương án mua vàng làm tài sản tích trữ an toàn.
Lượng khách giao dịch vàng ngày 24/7 chủ yếu là những người mua - bán nhỏ lẻ từ vài lượng đến vài chục lượng. Ghi nhận tại chuỗi cửa hàng vàng Doji, người dân chủ yếu đến bán vàng chốt lời khi giá vàng tăng cao với sản phẩm chủ yếu là Âu Vàng Phúc Long của Doji. Với những người đang nắm giữ vàng ở thời điểm hiện tại có thể thực hiện bán ra một phần như cách để hiện thực hóa một phần lợi nhuận.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Lê Vương Hùng - Giám đốc Khối kinh doanh môi giới Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nói: “Hiện có nhiều nỗi lo ngay lúc này, bởi dịch bệnh COVID-19, suy thoái kinh tế và căng thẳng Mỹ - Trung khiến giá vàng đã có tăng mạnh từ cuối tháng 3/2020 đến nay với mức tăng gần 30%. Trong 2 ngày qua, chênh lệch giá vàng trong nước mua vào - bán ra được các doanh nghiệp công bố từ mức 1 triệu - 1,6 triệu đồng/lượng. Với tỷ giá tạm thời tính hiện nay là 23.200 đồng/USD, chênh lệch từ 43 - 70 USD giữa giá mua vào và bán ra của doanh nghiệp kinh doanh vàng. Như vậy, nhà đầu tư vàng mua lúc này, sẽ chờ giá vàng thế giới tăng lên tối thiểu 1.930 USD/ounce (tăng 2,3%) đạt điểm huề vốn”.
Cũng theo ông Lê Vương Hùng, trong bối cảnh mọi thứ đang dần được kiểm soát, nhà đầu tư mua vàng lúc này nhằm bảo đảm an toàn trong ngắn hạn, hơn là tìm kiếm lợi nhuận cao như giai đoạn trước. Nhưng “cơn sóng” vàng chỉ kết thúc khi các nền kinh tế lớn như Mỹ mở cửa trở lại, đặc biệt là khi vắc xin chống COVID-19 được phép đưa vào sử dụng.
“Giá vàng thế giới tăng mạnh từ đầu tuần đến nay vẫn dựa vào những trợ lực có sẵn. Lý do từ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy giảm, cho tới các chính sách nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của ngân hàng Trung ương các nước. Tuy vậy, rất khó để vàng trong nước có thể chạm mốc 60 triệu đồng/lượng trong ngắn hạn”, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) nói.
Theo ông Trần Thanh Hải, giá đỉnh lịch sử của vàng thế giới là 1.923 USD/ounce thiết lập hồi tháng 9/2011. Trong khi giá hiện nay mới ở mức 1.870 USD, còn khoảng 50 - 60 USD mới tới giá đỉnh. Hiện tại, vàng trong nước đã cao hơn vàng thế giới 1 triệu đồng.
Dù dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, các trợ lực của vàng vẫn còn nhưng theo lãnh đạo VGB, không loại trừ kịch bản kim loại quý sẽ bị điều chỉnh trong tháng 9 - 10/2020. Nguyên nhân chính là Tổng thống Donald Trump sẽ tìm mọi cách để tái đắc cử vào tháng 11/2020. Trong đó, sẽ có các biện pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ thị trường chứng khoán, dòng tiền sẽ bị hút từ vàng qua chứng khoán và sẽ giảm giá. Bên cạnh đó, nhà đầu tư vàng thế giới đã, đang và sẽ chốt lời từ mức giá hiện tại cho tới khi đạt mốc 1.900 USD/ounce.
“Nhà đầu tư thế giới bán khống, bán vàng giấy chứ không như Việt Nam là vàng thật. Vì vậy, áp lực chốt lời với kim loại quý thế giới là rất lớn, nhất là sau giai đoạn tăng mạnh vừa qua”, ông Trần Thanh Hải nói.
Theo một số chuyên gia tài chính - ngân hàng, bất cứ khi nào nhà kinh doanh vàng nới rộng chênh lệch mua bán tức là rủi ro cho người mua đang tăng cao. Chênh lệch giá 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/lượng được xem là bình thường với vàng trong nước. Tuy nhiên khi chỉ số này được đẩy lên trên dưới 1 triệu đồng/lượng lại là rủi ro đang ở mức rất cao.
Khi thị trường rủi ro, các doanh nghiệp thường cẩn thận mua vào với giá thấp và bán ra với giá cao để đẩy rủi ro giảm giá về phía người mua. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang nhìn nhận giá kim loại quý thế giới tăng không phải do cung cầu mà do tồn tại yếu tố đầu cơ .Vì vậy, người dân, nhà đầu tư cá nhân cần bình tĩnh trước biến động này. Hiện giá mua vào trong nước tương đương với giá bán của vàng thế giới, trong khi giá bán ra trong nước cao hơn thế giới xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng.