Về việc hình ảnh người dân tộc bị lợi dụng: Giải quyết kiểu chữa cháy

Về việc hình ảnh người dân tộc bị lợi dụng: Giải quyết kiểu chữa cháy

Có thật là ngô nghê, ngờ nghệch?

Chị Trương Thị Thủy (dân tộc Mường, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của mình với người bạn dân tộc Kinh khi đi cùng chuyến tàu. Trong cuộc nói chuyện, người bạn đó thường xuyên nói người dân tộc là nhìn bẩn thỉu không sạch sẽ, ngô ngố, ngờ nghệch và nói tiếng Kinh không sõi…

Cứ để bạn ấy nói chuyện xong chị Thủy mới hỏi: “Em thấy chị là người dân tộc nào?”. Bạn ấy bảo: “Chị là người Kinh rõ ràng rồi”. Nghe chị Thúy giới thiệu là người dân tộc Mường, bạn ấy thắc mắc sao dân tộc Mường lại có người biết làm đẹp, nói tiếng Kinh không lộn tiếng dân tộc!

Theo chị Thủy, việc dùng hình ảnh người dân tộc thiểu số để sản xuất các video, clip gây cười trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua gây ra sự hiểu sai về văn hóa của các dân tộc. Cũng vì, các kênh truyền thông đó đã thường sử dụng trang phục không đúng, muốn vào vai dân tộc này lại dùng trang phục của dân tộc khác. 

Những vai diễn ấy toàn thể hiện người dân tộc sẽ là những ngô nghê, nói thô tục, không sõi tiếng Kinh và cả sự ỷ lại, lạc hậu... dẫn đến khán giả mặc định người dân tộc là như thế. “Thực tế này khiến nhiều người trong cộng đồng dân tộc thiểu số không thích nhưng họ không biết nói sao! Nhiều khi xem tivi họ phải tắt. Riêng bản thân tôi, tôi không thích xem các video clip đó”, chị Thủy bức xúc nói.

Anh Sô Haniim (dân tộc Chăm, tỉnh Ninh Thuận) thì bức xúc vì gần đây kênh YouTube Yeah 1 dùng hình dân tộc Chăm để mua vui, giải trí theo hướng tiêu cực. Cụ thể, họ bôi nhọ việc đi buôn của phụ nữ Chăm, gán ghép họ là đối tượng bắt cóc trẻ em. Bên cạnh đó, trên các trang mạng xã hội Facebook, hình ảnh phụ nữ Chăm luôn bị gán ghép cho việc bắt cóc trẻ em gây hoang mang dư luận. Anh Sô Haniim cho rằng, hệ lụy của những kiểu lợi dụng hình ảnh như thế có thể ảnh hưởng đến tính mạng của phụ nữ Chăm khi có những nhóm đối tượng bị kích động.

“Người dân tộc thiểu số vốn thật thà và ứng xử với khách lạ rất nhân văn. Khi người ở nơi khác đến vùng dân tộc thiểu số sẽ được mời ăn cơm, lo cho chỗ ăn chỗ ngủ, tùy theo điều kiện của từng gia chủ và họ không đòi hỏi gì về tiền nong. Bởi họ cho rằng đã là người ở trên đất nước Việt Nam này đều là anh em. Những nét đẹp này sao không được các kênh truyền thông khai thác? Ngược lại giả sử người dân tộc thiểu số về vùng đồng bằng, nếu không có tiền liệu có được ăn, được nghỉ như thế không?”. Anh Tòng Văn Hân (dân tộc Thái, tỉnh Điện Biên)

Với anh Tòng Văn Hân (dân tộc Thái, tỉnh Điện Biên) dù người Thái chưa bị sử dụng hình ảnh để làm trò cười trên các phương tiện truyền thông, song cũng đã bị nhại tiếng nói ngọng, bị trêu đùa trong các buổi chợ búa thường ngày. Còn người Mông hay bị nhại tiếng, bị lợi dụng nhiều hơn cả, kể cả các câu chuyện trên tàu xe cũng hay lấy ngôn ngữ của người Mông ra làm trò cười. Thậm chí, nhiều tác phẩm văn học viết về người dân tộc thiểu số cũng hay sử dụng các từ ngô nghê không có thật trong cuộc sống của đồng bào.

“Dù người dân tộc thiểu số có nói ngọng đi chăng nữa nhưng họ cũng không sử dụng các câu từ ngô nghê đến buồn cười như vậy. Vấn đề nhại tiếng, sử dụng hình ảnh thái quá để làm trò cười trên phương tiện truyền thông sẽ làm cho những người chưa từng tiếp xúc với người dân tộc thiểu số lần nào sẽ hiểu nhầm, họ sẽ nghĩ về người dân tộc thiểu số là ngô nghê, hoang dã, không có học thức. Hành vi ấy làm tổn thương đến văn hóa của người dân tộc thiểu số, thể hiện sự khinh thường đối với người dân tộc thiểu số. Chẳng phải người Kinh vẫn nói: “Chửi cha không bằng pha tiếng” đó sao?”, anh Hân đặt câu hỏi.

Giải quyết kiểu... chống cháy?

Mặc dù, việc hình ảnh người dân tộc thiểu số bị lợi dụng để sản xuất các sản phẩm giải trí, mua vui xảy ra trong thời gian dài, đã và đang bị dư luận lên tiếng mạnh mẽ nhưng dường như các cơ quan quản lý còn thờ ơ. Chỉ có, iSEE (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế, Môi trường) và nhóm Mạng lưới tiên phong lên tiếng và gần đây nhất, hồi giữa tháng 4, Ủy ban Dân tộc có công văn gửi Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị xử lý trường hợp vi phạm của kênh YouTube A Hy TV. Tuy nhiên, kết quả xử lý kênh YouTube A Hy TV đến đâu thì vẫn chưa có hồi đáp.

Theo anh Sô Haniim, các cơ quan chức năng vào cuộc như chỉ giải quyết vấn đề theo kiểu... chống cháy chứ không giải quyết triệt để từ nguồn gốc của nó. “Rất cần có những điều luật rõ ràng về việc chống phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số, xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng hình ảnh, cũng như những câu chuyện xúc phạm danh dự nhân phẩm đến dân tộc thiểu số”, anh Sô Haniim kiến nghị.

Trong khi đó, chị Trương Thị Thủy cho rằng, đợt này bắt đầu có Ủy ban Dân tộc vào cuộc thì cũng thấy có chút động lực cho cộng đồng dân tộc thiểu số đưa ra ý kiến của chính mình. Tuy nhiên, sự vào cuộc này mới dừng ở Ủy ban Dân tộc còn các bên liên quan thì vẫn im lặng! “Trong câu chuyện này, bên truyền thông cũng phải kiểm tra lại trước khi phát hành hoặc đăng tải clip video, quảng cáo... Hoặc khi muốn thực hiện một mục, vấn đề liên quan đến dân tộc nào thì cần phải hiểu rõ phong tục tập quán văn hóa của dân tộc đó. Vì ngay cả VTV cũng có những quảng cáo không đúng như kiểu quảng cáo nước tăng lực Hổ vằn”, chị Thủy góp ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.