Truyện tranh Pháp - những bí mật khai mở về nghệ thuật thứ 9

GD&TĐ - Nếu muốn biết lịch sử truyện tranh Pháp, bạn sẽ được toại nguyện khi đến dự buổi hội thảo «Tổng quan về lịch sử truyện tranh tiếng Pháp đến năm 2000» diễn ra lúc 18h Thứ Năm ngày 12/07/2018 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Truyện tranh Pháp - những bí mật khai mở về nghệ thuật thứ 9

Cũng tại Hội thảo, ông Thierry Groensteen, phụ trách quốc tế về Truyện tranh Angoulême sẽ thuyết trình và sau đó vào ngày 13/7 diễn ra buổi khai mạc triển lãm «Truyện tranh Pháp hiện nay», với sự hiện diện của hai họa sĩ người Pháp Alexandre Clérisse và Aurélie Neyret.

Rodolphe Töpffer (1798-1846), tác giả người Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, được biết đến là "nhà phát minh" ra truyện tranh, một cách biểu đạt mới nằm giữa ngã ba văn học và nghệ thuật thị giác. Cho đến cuối thế kỷ 19, truyện tranh phát triển khá chậm, thường xuất hiện dưới hình thức sách tranh dành cho người lớn và một vài trang trên các tờ báo biếm họa. Sau đó, truyện tranh nở rộ trên các tạp trí trẻ em - thể loại báo minh hoạ dành phần lớn các trang cho truyện tranh và các câu chuyện phiêu lưu đi theo hướng các thể loại phát triển từ văn học dân gian : truyện trinh thám, khoa học - viễn tưởng, western…

Thời điểm ra mắt tập truyện tranh «Nhật ký Mickey» những năm 1934 cũng chính là thời kì thống trị của truyện tranh Mỹ (Comics). Tuy nhiên, sau chiến tranh thế giới thứ hai, truyện tranh Bỉ, với các tác phẩm như Tintin hay Spirou, lại chiếm thế thượng phong. Từ cuối những năm 1960, truyện tranh của Pháp có bước ngoặt lớn và có những sáng tạo đặc biệt. Các album tăng theo cấp số nhân; và dần dần, những thể loại mới xuất hiện: hài kịch, tự truyện, phóng sự … Truyện tranh không còn chỉ là một thể loại văn học để giải trí mà còn là một cách thức biểu đạt theo đúng nghĩa của nó, có khả năng truyền tải bất kì câu chuyện nào và dành cho mọi đối tượng người đọc.

Với khoảng 60 hình ảnh, nhà nghiên cứu lịch sử truyện tranh Thierry Groensteen sẽ phác họa tổng quan về lịch sử truyện tranh, giới thiệu các nghệ sĩ-tác giả xuất sắc nhất cho tới đầu thế kỷ XXI. Ông đồng thời là nhà giám tuyển của triển lãm Truyện tranh Pháp hiện nay.

Cũng trong Triển lãm « Truyện tranh Pháp hiện nay », cho thấy Pháp là một trong những quốc gia xuất bản truyện tranh hàng đầu thế giới. Truyện tranh tại đây được coi là «môn nghệ thuật thứ chín».

Thị trường truyện tranh ở Pháp có thể được tóm lược như sau (số liệu năm 2016) :

• 5 300 cuốn truyện tranh được xuất bản :trong đó gần 4 000 cuốn in mới tương ứng với 44 triệu bản (thêm vào đó là 30 triệu bản thuộc các đầu sách cũ được tái bản)

• 384 nhà xuất bản đang hoạt động

• 400 hiệu sách chuyên ngành

• Doanh thu 245 triệu euros, tương đương với 9,1% tổng doanh số bán sách ở tất cả các thể loại.

Triển lãm lần này sẽ giới thiệu đến các bạn các khuynh hướng truyện tranh ngày nay. Qua 25 gương mặt nghệ sĩ được lựa chọn, triển lãm sẽ giúp độc giả có được đánh giá về sự đa dạng của truyện tranh kiểu Pháp thế kỷ 21.

Bên lề sự kiện, l’Espace phối hợp với Câu lạc bộ Picas Son để tổ chức workshop sáng tác truyện tranh dành cho các em nhỏ với hai họa sĩ người Pháp Alexandre Clérisse và Aurélie Neyret vào lúc 16h30 thứ Sáu ngày 13/7/2018 tại l’Espace. Ban tổ chức sẽ chọn ra những tác phẩm đặc sắc nhất của các em để trưng bày tại tầng lửng của l’Espace trong suốt thời gian diễn ra triển lãm «Truyện tranh Pháp hiện nay».

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ