Top trending: Có phải chuẩn mực đánh giá ca sĩ?

GD&TĐ - Đó là khẳng định của một số nghệ sĩ tên tuổi trong làng nhạc Việt. Mỗi lần tung sản phẩm mới, thay vì đua tranh ngôi vị top trending trên YouTube, họ sẽ an nhiên khám phá bản thân và màu sắc âm nhạc mà trước kia họ chưa dám trải nghiệm.

Nhạc sĩ Nguyễn Khải Phong khuyên những nghệ sĩ trẻ đang chạy theo trending YouTube phải nghĩ lại.
Nhạc sĩ Nguyễn Khải Phong khuyên những nghệ sĩ trẻ đang chạy theo trending YouTube phải nghĩ lại.

Không có chuẩn mực cho tất cả

Dưới góc nhìn của một người dày dặn kinh nghiệm, với tư cách là nhạc sĩ, cũng là nhà sản xuất âm nhạc, Nguyễn Hải Phong từng thẳng thắn nhận định: “Những nghệ sĩ trẻ cần xem lại, vì sao các bạn vẫn đi theo con đường ra đĩa đơn, vẫn đi theo tính cá nhân mà không nghĩ cho một thị trường băng đĩa sôi nổi hơn?

Những nghệ sĩ trẻ đang chạy theo trending YouTube phải nghĩ lại, các bạn đã làm nghề bao nhiêu năm rồi mà đã có album đàng hoàng, chỉn chu chưa”.

Bên cạnh đó, không ít lần báo chí cũng phải “than vãn” rằng các ca sĩ Việt đang có cuộc chạy đua làm MV với mục đích vào top trending trên YouTube. Thực tế có rất nhiều MV không có chất lượng vẫn chiếm giữ thứ hạng cao; “vàng” ít mà “cát, rác” lại nhiều, khiến cuộc đua này dần trở nên giảm   giá trị.

Đó cũng là lý do khiến những nghệ sĩ hoạt động lâu năm trong nghề không còn mặn mà với top trending YouTube nữa. Họ nhanh chóng chuyển hướng, tìm cho mình một con đường riêng, nhường lại hào quang cho lớp nghệ sĩ trẻ.

Gần đây, trên một chương trình truyền hình, ca sĩ Tóc Tiên từng chia sẻ về một chủ đề khá nhạy cảm với nghệ sĩ: Top trending. Cụ thể, cô nói: “Trong các bài phỏng vấn, Tiên đã trả lời rằng top trending có cũng được, vui, nhưng đó không phải đích đến cuối cùng. Top trending, con số đó không đánh giá, quyết định được sản phẩm nghệ thuật tôi làm ra”.

Theo đó, khán giả có thể hiểu thông điệp của Tóc Tiên, theo cô, đánh giá bất kỳ nghệ sĩ nào về mức độ thành công của họ theo công thức này cũng là một sự không công bằng. 

Khi quyết định dấn thân vào âm nhạc, tất nhiên mỗi nghệ sĩ sẽ có giá trị riêng, phong cách riêng để theo đuổi. Nói cách khác, mỗi nghệ sĩ sẽ có mục tiêu riêng để đánh giá sự trưởng thành trong quá trình làm nghề của mình. Trong đó, top trending YouTube là quá ít ỏi để đong đếm. Việc chạy theo thước đo này cũng giống như việc theo đuổi một chiếc mũi cao, một đôi giày vì chuẩn đẹp nó phải thế. 

Thực tế là chẳng có chuẩn mực nào cho tất cả, thành công cũng vậy. Khi đã khẳng định được tên tuổi, có được chỗ đứng riêng và phân khúc thị trường khán giả riêng, nghệ sĩ sẽ không quá quan tâm đến chuẩn mực xã hội, không quan tâm tới những áp lực con số mà biết chọn lọc để tìm được giá trị đích thực của bản thân.

Họ sẽ không để những con số đó trở thành đích đến cuối cùng trong nỗ lực thành công. Nói cách khác, chuẩn mực xã hội không định hình nên giá trị của nghệ sĩ. Chỉ có những lựa chọn của họ mới định hình nên họ là ai, họ đi bao xa trên con đường nghệ thuật.

Nhu cầu nghiễm nhiên 

Văn Mai Hương gửi gắm nhiều cung bậc cảm xúc của cô trong MV “Đốt”.
Văn Mai Hương gửi gắm nhiều cung bậc cảm xúc của cô trong MV “Đốt”. 

Theo lẽ thường, chuẩn thành công đối với một nghệ sĩ có thể rút gọn ở công thức: Độ phủ sóng hình ảnh, độ đầu tư cho MV và top trending. Tuy nhiên, nhìn vào các sản phẩm mới đây của Văn Mai Hương, có thể thấy, dường như cô không quan tâm thước đo này nữa.

Đốt là sản phẩm đánh dấu sự trở lại của Văn Mai Hương trên đường đua Vpop. Thực tế, Đốt cũng không phải là một bản blues đậm đặc, nguyên thể. Nhưng trong bối cảnh thị trường chuộng pop-ballad, R&B, EDM, rap/hip-hop, sáng tác của Hứa Kim Tuyền qua giọng hát của Văn Mai Hương là bước đi mạo hiểm. Và số liệu thực tế cũng cho thấy ca khúc rất khó để trở thành hit. Theo nhận định của giới chuyên môn, thành tích khiêm tốn của Đốt thậm chí còn khả quan hơn dự đoán trước đó. 

Khi chấp nhận theo đuổi một sáng tác pop mang hơi hướng blues pha một chút jazz, cả tác giả lẫn người thể hiện có lẽ đều hiểu rằng thể loại không được số đông ưa chuộng. Giới mê jazz Việt thậm chí từng than rằng ở thị trường trong nước, thể loại bị coi như “đứa con ghẻ”. Còn blues được cho là bị “thờ ơ” ở mức thấp hơn, nhưng cũng còn nhiều xa lạ với đại chúng.

Khi thưởng thức MV, có lẽ khán giả ruột của Văn Mai Hương sẽ dễ dàng nhận ra sự thay đổi của nữ ca sĩ sau những biến cố. Cô hát theo cách khác, diễn xuất MV theo cách khác, thậm chí phong cách cũng có nhiều đổi khác: Vừa đủ đằm để tôn chiều sâu giọng hát đẹp, nhưng vẫn giữ được sự tỉnh táo để không chạy theo trào lưu của thị trường. Có lẽ, khi đã đạt được độ chín trong âm nhạc, nghệ sĩ sẽ nghĩ cho bản thân nhiều hơn. 

Trải lòng là một nhu cầu nghiễm nhiên trong âm nhạc, với Văn Mai Hương cũng vậy. Cô chia sẻ, Đốt là câu chuyện tình của bản thân - một cuộc tình trong bóng tối mà cô giấu kín cả gia đình, những người thân thiết đến tận thời điểm hiện tại. Chính vì lý do đó, nữ ca sĩ đã mang cảm xúc thật nhất vào trong từng câu hát.

“Cái tôi gửi gắm trong MV Đốt chính là cung bậc cảm xúc của chính tôi và nhiều người phụ nữ ở ngoài kia sau khi kết thúc một cuộc tình. Đó là từ việc không chấp nhận chuyện tan vỡ, sống trong đau khổ cho đến khi thỏa hiệp, chấm dứt tất cả và mạnh mẽ bước qua” - Văn Mai Hương chia sẻ.

Suy cho cùng, khi đã chinh phục được đỉnh cao danh vọng, mỗi nghệ sĩ lại muốn tìm kiếm những màu sắc khác trong âm nhạc và hướng tới những giá trị bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ