Người trẻ mang nhiều tâm huyết với thư pháp Việt

GD&TĐ - Hoạt động trong lĩnh vực thư pháp đã 15 năm, Dương Minh Hoàng là nhà thư pháp có phong cách riêng, với hàng chục cuộc triển lãm lớn nhỏ trong, ngoài nước và nhiều dự án cộng đồng. Anh cũng là người mang nhiều tâm huyết và trăn trở đối với sự định hình và phát triển bộ môn nghệ thuật thư pháp Việt. Tài Hoa Trẻ có cuộc trò chuyện với anh.

Nhà thư pháp Dương Minh Hoàng
Nhà thư pháp Dương Minh Hoàng

* Chào Minh Hoàng! Nhiều năm gần đây, thư pháp Việt phát triển khá mạnh. Vậy thư pháp Việt đã lưu giữ và tiếp biến gì từ thư pháp Hán Nôm?

Dương Minh Hoàng: Thư pháp Hán Nôm là bộ môn nghệ thuật đã được định hình suốt nhiều thế kỷ và đạt được nhiều thành tựu. Hiện nay, với chữ Quốc ngữ, thư pháp Việt đã xuất hiện và phát triển cũng được khoảng 50 năm.

Dù vẫn lưu giữ được tinh thần của thư pháp Hán Nôm, là tinh thần văn hóa phương Đông nhưng thư pháp Việt đã thay đổi về hình thái, mà rõ nhất là qua bộ chữ. Ngoài ra, cũng có thể nói đến sự khác biệt về người viết thư pháp. Ngày xưa, người viết thư pháp là những ông đồ lớn tuổi rất uy nghiêm và chuẩn mực. Hiện nay, các bạn viết thư pháp có những người ở độ tuổi còn rất trẻ và vì thế phong cách cũng rất khác các ông đồ xưa.

* Chữ quốc ngữ không phải là chữ tượng hình nên viết thư pháp có phải là một khó khăn và thử thách đối với sự sáng tạo của các nhà thư pháp?

- Đây chính là thử thách đối với sự sáng tạo của người viết. Tính tạo hình của chữ cũng là lợi thế để viết thư pháp. Thế nhưng, đây chỉ là yếu tố cơ bản ban đầu. Để đi vào chiều sâu, người viết cần khai thác những yếu tố tiềm ẩn của chữ mới có thể nâng tầm thư pháp Việt. Bởi vì thư pháp cũng là một nghệ thuật tín hiệu.

* Sau 50 năm, thư pháp Việt đang ở giai đoạn nào: Thể nghiệm, định hình hay phát triển?

- Phần đông trong giới thư pháp hiện nay cho rằng, thư pháp Việt đang trong giai đoạn bão hòa. Nhưng với riêng tôi, thư pháp Việt đang trong giai đoạn tương tác, giao thoa và thể nghiệm chứ chưa thực sự định hình. Qua giai đoạn này, thư pháp Việt sẽ chọn lọc những gì phù hợp để giữ lại. Từ đó, sẽ định hình thành bộ môn nghệ thuật, cũng như phong cách từng tác giả vì bản thân thư pháp Việt có đủ cơ sở để trở thành một bộ môn nghệ thuật.

Dương Minh Hoàng trình diễn thư pháp

Dương Minh Hoàng trình diễn thư pháp

* Hoàng nghĩ thế nào về sự tương tác của thư pháp Việt với các loại hình nghệ thuật khác hiện nay?

- Bản thân thư pháp Việt vốn đã là một thành phần của các bộ môn nghệ thuật, các loại hình văn hóa dân tộc và giữa chúng cũng sẽ có sự tương tác nhất định. Thư pháp sẽ kết hợp và thú vị hơn trong một buổi thưởng trà. Thư pháp cũng đi vào âm nhạc. Thư pháp cũng có mối tương giao đặc biệt với thơ ca bởi vì bản thân thư pháp cũng sử dụng chất liệu từ thơ ca. Và để thư pháp Việt có thể trở thành bộ môn nghệ thuật được định hình tốt hơn về mặt học thuật, cũng như thực hành, cần có sự cảm thông, tính tự trọng và vị tha.

* Là bộ môn nghệ thuật nhưng hiện nay thư pháp có xu hướng thương mại hóa? Liệu xu hướng này có làm mất chiều sâu sáng tạo của nghệ thuật này?

- Thương mại cũng là một con đường để thư pháp Việt phát triển nhưng đã đi theo hướng thương mại thì phải thật sự ra thương mại và chuyên nghiệp hóa. Đồng thời, bên cạnh thương mại thì người viết vẫn phải khẳng định được phong cách, có những sáng tạo độc đáo. Khi đó, người viết vừa giữ vững được chuyên môn nghệ thuật và có cơ hội phát triển, quảng bá sản phẩm, cũng như bộ môn thư pháp .

* Năm 2017 cũng là năm mà Hoàng có nhiều cơ hội giao lưu thư pháp với các nước, gần đây nhất là cuộc triển lãm ở Hàn Quốc. Có thể kể một kỉ niệm mà Hoàng ấn tượng về chuyến giao lưu tại đây?

- Trong chuyến giao lưu thư pháp ở Hàn Quốc, triển lãm diễn ra ở một cố đô của đất nước này. Tại đây, các nhà thư pháp Hàn Quốc nghĩ rằng tôi sẽ biểu diễn thư pháp chữ Hán-Nôm. Họ chưa biết là Việt Nam ta có phát triển thư pháp Việt nên rất ngạc nhiên và thích thú khi thấy Hoàng viết thư pháp Việt.

* Ngoài theo dạy các lớp học thư pháp, Hoàng còn đang thực hiện những dự án cộng đồng xã hội nào?

- Từ nhiều năm trước, tôi đã tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện của các tổ chức và bản thân cũng cùng bạn bè tổ chức các chương trình thiện nguyện. Gần đây, tôi tập trung vào việc tổ chức Trung thu cho các em thiếu nhi ở các tỉnh, thường xuyên nhất là tại Vĩnh Long. Với hoạt động này, tôi không chỉ mong muốn đem đến cho các em một đêm Trung thu ý nghĩa, mà còn muốn san sẻ với các em những kỉ niệm đẹp, những trò chơi dân gian thú vị, những câu chuyện, phong tục hay trong Tết Trung thu.

Bên cạnh đó, trong 10 năm qua, tôi cũng tập trung mở những lớp giảng dạy thư pháp Việt để chia sẻ với những ai yêu thích bộ môn này. Đồng thời, tôi cũng đang viết sách giới thiệu những nét căn bản và luận về thư pháp Việt. Hi vọng năm tới sẽ được ra mắt với công chúng.

* Phong tục xin chữ đầu năm là nét truyền thống văn hóa lâu đời. Hiện nay, phong tục này đang được khôi phục, nhất là trong phong trào ông đồ xuống phố. Liệu phong tục này có còn giữ được nét đẹp và ý nghĩa như truyền thống xưa?

- Việc xin chữ và cho chữ ngày nay có thể do đặc tính của thời đại nên có nhiều thay đổi. Hiện nay, đôi khi người cho chữ chưa giảng giải nét đẹp, cái hay của chữ hoặc chưa diễn giải để người xin chữ biết những điều cần biết về việc xin chữ, treo chữ. Vì vậy, phong tục cho chữ đầu năm hiện nay dù có giữ được nét đẹp phong tục xưa nhưng đã có nhiều thay đổi và mang hơi hướng của tư duy hiện đại.

* Cảm ơn Minh Hoàng về buổi trò chuyện này.

Năm 2018 Dương Minh Hoàng giới thiệu đến cộng đồng yêu thích thư pháp bộ tranh họa tự chủ đề Mậu Tuất. Sự khác biệt của nó so với những bức thư pháp khác là tranh họa tự được sáng tác gồm những nét chữ được họa theo hình linh vật chứ không đơn thuần là chữ, gởi gắm thông điệp về sự dũng mãnh, tính trung thành và thân thiện của linh vật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ