Mạc Can - Mọi thứ đơn giản như nụ cười

ÔNg sinh ra trên chiếc ghe cũng là gánh hát của cha mẹ đoạn sông Tiền chảy qua Mỹ Tho thuộc miền Tây Nam Bộ lấy bến sông bãi chợ làm trò vui kiếm tiền độ nhật...

Mạc Can - Mọi thứ đơn giản như nụ cười

Thế nên cái số của ông hề Mạc Can sau này cứ lênh đênh khắp Sài Gòn chứ không có nơi ở ổn định nào. Cuộc đời Mạc Can cáng đáng nhiều nghề nhất, nhọc nhằn nhất trong làng diễn viên. Nếu hỏi Mạc Can từng làm những nghề gì, có lẽ xòe cả 10 ngón tay chưa tính đủ.

Đa tài và hết lòng vì trẻ thơ

Không chỉ là một nhà ảo thuật, một anh hề, một người bạn hết lòng vì trẻ thơ, Mạc Can còn là nhà văn với những tác phẩm đầy khát vọng sống. 

Khởi nghiệp là một anh hề con 8 tuổi, đứng bên cha làm ảo thuật, vẽ panô quảng cáo ở rạp hát sau đó gánh thêm việc ca hát giữa các ca trong lúc chờ rạp chiếu phim. 

Rồi Mạc Can có tới vài năm không liên quan tới biểu diễn mà trần xì là một anh lao động chân tay. Nếm trải đủ thứ nghề: đạp xích lô, chạy xe ba gác, đi bán bánh khảo bán trà dạo nơi bến xe, diễn ảo thuật, làm xiếc, làm diễn viên nhưng nhiều nhất vẫn là... làm hề.

Mạc Can nhiều lần bảo, khuôn mặt ông là hiện thân của một số phận bi kịch chứ có gì vui đâu mà cứ thấy ông là người ta lại tưởng thấy hề, thậm chí khi buồn quá ông xịu mặt tiu nghỉu khán giả lại càng cười rũ rượi bởi họ tưởng ông đang làm trò. 

Số phận rồi cũng tới lúc mỉm cười với ông cùng một loạt các vai diễn trên sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình, đa số là những vai diễn nhỏ, có khi chỉ lướt qua màn hình vậy mà ông vẫn rất tâm huyết, Mạc Can vẫn chắt chiu cho mình những niềm vui nho nhỏ. 

Cứ ai gọi là ông đi, một phần để được sống với nghề, phần khác cũng là để kiếm tiền. Nghệ sĩ Mạc Can dường như thường trực trong tình trạng cháy túi bởi tuy nghèo nhưng ông luôn sẵn sàng chia sẻ từ người bán vé số đến người thân, bạn bè.

Cả đời Mạc Can vừa đóng phim, vừa diễn hài, diễn ảo thuật, và khi ngoài 60 tuổi bỗng nổi lên như một “nhà văn trẻ” với tiểu thuyết Tấm ván phóng dao (Giải thưởng Văn học và điện ảnh xuất sắc 2005) làm thiên hạ kháo nhau nháo nhào tìm đọc xem ông hề già viết văn thế nào. 

Ngoài ra, Mạc Can còn viết khá nhiều: Món nợ kịch trường, Cuộc hành lễ buổi sáng, Người nói tiếng chim bồ câu, Bầy mèo vô sinh, Mạc can tạp bút... 

Nếu nói theo cách của ai đó, rằng Mạc Can là “văn sĩ trẻ tuổi 60” thì quả thật ông là một cây bút đầy nội lực và đa dạng ở nhiều thể loại: truyện thiếu nhi, truyện người lớn, truyện tranh... một dạng văn chương bình dân dành cho số đông phận người. 

Nếu đem tên tuổi Mạc Can so với nhiều người cùng nghề, ông nổi tiếng không thua bất kỳ ngôi sao trẻ đẹp nào. Theo lẽ thường, nếu là ngôi sao thì đi đâu, làm gì đều có người đưa kẻ đón, tiền bạc rủng rẻng, ăn mặc tinh tươm sang trọng, ấy vậy nhưng, Mạc Can vẫn chỉ là nghệ sĩ cô độc lang thang trên hành trình dài của cuộc đời. 

Ở Sài Gòn hay các trung tâm đô thị, người ta còn biết đến Mạc Can là “nhà văn trẻ”, chứ ở những vùng sâu nghèo khó, người ta chỉ biết đến Mạc Can là ông hề già. 

Ông nói: ”Làm hề hay viết văn, tôi luôn mong muốn đem đến niềm vui cho nhiều người. Nhìn nụ cười hồn nhiên của các cháu, tôi thấy số phận của mình vẫn còn nhiều may mắn”.

Nếu bạn có gặp một diễn viên kiêm nhà văn giữa đường, hẳn phải nhìn một lúc mới nhận ra ông già ăn vận giản dị, áo vải bạc màu chân đi giày bata chính là Mạc Can nổi tiếng. 

Không nhà, không tài sản, cuộc đời Mạc Can là những chuỗi ngày lang thang bất định thậm chí áo quần cũng gửi lại đoàn phim còn mình tiện đâu ở đó. 

Giản dị và lặng lẽ với chiếc xe máy cũ và một cái võng, từng sáng từng chiều không lầm lũi đến phim trường thì cũng ngồi đâu đó với những người bạn văn, mệt mỏi thì tìm chỗ nào đó mắc võng lên nằm. 

Mạc Can ngồi để sáng tác, ngồi vì chẳng có nơi nào để đi, ngồi chơi cho đến khi tắt nắng rồi về, mà về thì về đâu? Mạc Can lại ngồi ngóng lá me bay, nhìn kiểu nào cũng chỉ thấy một màu cô độc, với ông, khổ đã là người bạn đồng hành để làm nên một Mạc Can không lẫn vào đâu được, ông xem mọi thứ đều đơn giản như nụ cười vốn có của mình. Vui thì cười, buồn lại cười, đau bệnh cũng vẫn cười...

Sống để yêu đời, yêu người...

Thật sự, ai cũng nể Mạc Can ở cái tính tưng tửng mà yêu đời lắm. Mạc Can thú thật rằng tính mình hài hước, có nhiều khi không đàng hoàng. 

Bạn bè kể, ông này ông sống bản năng như cây cỏ, chẳng biết tự chăm sóc bản thân, cơm nước thất thường. Thấy ông gầy yếu, bạn bè ép ông ăn uống nhưng ông lại chẳng chịu ăn với lý do “ủa khi nào tôi đói thì tôi tự ăn chứ, sao lại ép tôi vậy?”. 

Đã vậy Mạc Can còn thường xuyên bị căn bệnh thấp khớp hành hạ nên phải uống thuốc giảm đau liên tục, chính vì thế mà ảnh hưởng đến dạ dày. Trong cơn đau quằn quại, bác sĩ cho Mạc Can biết ông bị thủng dạ dày nhưng ông vẫn vui đùa tếu táo: “Ồ, bao tử bị cán đinh”. 

Bác sĩ tiến hành nội soi, dù là sợ lắm nhưng ông vẫn bông đùa cô bác sĩ trẻ: Cô là bác sĩ cô cũng biết tâm lý bệnh nhân đang hoang mang sợ sệt, trước khi cô thọc cái gậy dài vào bụng tôi, cô làm ơn cho tôi hôn một cái cho đỡ sợ đi cô. Bác sĩ cũng phải phì cười: Trời đất ơi cha nội, giờ mà còn quậy hả? “Mạc Can vẫn chưa chịu dừng “Hay cô cho tôi nắm tay cũng được”.

Mạc Can rất dễ gần dễ mến, trong lúc nói chuyện ông thường pha trò bằng lời nói hoặc bằng nét mặt cho người ngồi cùng được vui. Ngay cả khi nằm viện, các bệnh nhân cùng phòng Mạc Can tha hồ cười nói hỉ hả quên đi nỗi đau bệnh tật đang giày vò bản thân. 

Cùng phòng bệnh với Mạc Can có một thanh niên bị tù bởi tội ngộ sát, nằm điều trị trong bệnh viện mà tay vẫn dính còng làm ông thấy thương cảm. 

Ông tâm sự: “Con người ai cũng có phần thiện, người ta vì một phút nóng giận mà phải trả giá bằng cả cuộc đời”... Những gì mà Mạc Can an ủi anh bệnh nhân tù tội chỉ là những tràng cười cho đời bớt khổ. 

Mạc Can bảo ông từng gặp ma trong bệnh viện, trong bóng tối chập chờn ông nhìn thấy cảnh đường phố, những người lạ đang sinh hoạt ngay bên cạnh mình trên bức tường sát giường bệnh. 

Mạc Can cố định thần xem hình ảnh đó có biến mất không nhưng nó vẫn hiển hiện rõ mồn một. Khẽ khàng khều ông bạn bị bệnh gan giường bên cạnh thì thào hỏi “Ông có thấy gì không?” thì ông kia trả lời chẳng thấy gì hết.

Sau này kể cho bạn bè, người thì nói thần chết đang đến rất gần để rình bắt Mạc Can mang đi, kẻ thì bảo do ông uống nhiều thuốc giảm đau quá nên thần kinh hoang tưởng, giải thích nào cũng được Mạc Can gật gù chấp nhận. Với ông điều quan trọng là hiện tại, giờ phút này ông vẫn được ngồi trên dương thế để sáng tác và cà phê tếu táo với bạn bè là quý rồi.

Thui thủi cả đời đi bán tiếng cười kiếm tiền độ thân, Mạc Can khoe năm nay ông bắt đầu được nhận lương mỗi tháng một triệu rưỡi do Hội Sân khấu tài trợ. Các hội văn nghệ thì hầu như hội nào cũng có tên ông: Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh, Hội Sân khấu...

Sức khỏe đã ngày một yếu đi, nhưng ai mời đi diễn ông vẫn vui vẻ nhận lời, bất kể đó là bao nhiêu phân đoạn, dài hay ngắn. Chọn nghiệp mua vui, nên Mạc Can dặn dò: “Đừng có gọi tui là nhà văn, kêu tui là ông hề thôi”.

Theo suckhoedoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ