Hồi hộp chờ kịch mùa Tết

GD&TĐ - Cuối năm là thời điểm nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật nhộn nhịp ra mắt những chương trình và vở diễn đón Tết. Tuy nhiên, năm nay sân khấu kịch vẫn ảm đạm mặc dù sân khấu trong Nam đã công bố nhiều vở diễn mới với đề tài mới, trong khi đó sân khấu phía Bắc vẫn trầm lắng.

Hồi hộp chờ kịch mùa Tết

Dè dặt ra vở mới

Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, 12 vở kịch mới của 9 sân khấu tại TPHCM sẽ được đầu tư phục vụ khán giả. Sân khấu Thế giới trẻ sẽ ra mắt khán giả 4 vở kịch cho mùa Tết 2018 gồm “Bao giờ mẹ lấy chồng” (tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng), “Sứ giả thiên đường” (tác giả và đạo diễn: Bùi Quốc Bảo), “Thiên hà hội tụ” (tác giả và đạo diễn: Cao Tấn Lộc), “Tình kỹ nữ” (phóng tác từ tác phẩm “Trà hoa nữ”, tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Trần Hồng Phúc) là 4 vở diễn được Sân khấu Thế giới trẻ (TPHCM) đầu tư để phục vụ khán giả trong mùa Tết này.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh có 2 vở kịch Tết. Trong đó, vở đang chuẩn bị phúc khảo mang tên “Sài Gòn có một ngã tư”, do đạo diễn NSƯT Thành Hội dàn dựng.

Kịch Nụ cười mới, của ông bầu Vũ Văn Long cũng dàn dựng 3 vở mới diễn Tết nhưng vẫn chưa công bố chính thức tên tác phẩm. Sự dè dặt của bà bầu Đại Ngọc Trâm, Sân khấu Kịch Rubik, cũng vì muốn chọn lựa chu đáo hơn kịch mục ngày Tết.

Sân khấu Kịch Sài Gòn năm nay có 4 vở mới, vẫn xoay quanh đề tài ma quỷ, mang yếu tố tâm linh, giáo dục con người lánh xa cái ác, nhân thêm điều thiện.

Trong khi đó, Sân khấu Trịnh Kim Chi đã rục rịch dựng 4 vở: “Game ơi là show”, “Thầy giáo ma”, “Hồn nữ mơ hoang” và “Chuyến đi tử thần”. “Các vở này phải chuẩn bị từ tháng 11 năm ngoái nên mới có thể yên tâm sắp lịch diễn Tết năm nay” - bà bầu Trịnh Kim Chi cho biết.

Sân khấu kịch Hồng Vân cũng trong tình trạng “liệu cơm gắp mắm” khi 5 vở mới triển khai trong sự hồi hộp, lo âu. Đó là các vở “Ngọn Lan trong gió”, “Bốn nàng độc thân”, “Rambi”, “Con của chồng tôi” và “Căn nhà im lặng”.

Kỳ vọng nào từ những “làn gió mới”?

Trong mùa kịch Tết năm nay, sân khấu Thế giới trẻ bất ngờ đưa hình ảnh trẻ tự kỷ vào vở diễn “Bao giờ mẹ lấy chồng” đã tạo nên gia vị mới lạ, khán giả tỏ ra thích thú. Đó là một tín hiệu vui cho thấy sân khấu luôn đổi mới trước sự phát triển các gameshow, các chương trình giải trí trên truyền hình.

Nếu như sân khấu kịch phía Nam bắt đầu có tín hiệu khởi sắc chuẩn bị vào mùa kịch Tết thì sân khấu phía Bắc (ngoài chương trình “Táo quân”) thì kịch Tết có phần trầm lắng hơn.

Phần đông đại diện các nhà hát tại Hà Nội đều thống nhất, người miền Bắc không có thói quen xem kịch đầu xuân. Thay vì kịch, các show ca nhạc và hoạt động đi lễ chùa lại có sức hấp dẫn hơn hẳn. Chính vì thế, giới dàn dựng kịch cũng bị ảnh hưởng. Và thời tiết cũng là một tác nhân khiến sân khấu phía Bắc khó hút khán giả.

Gần đây, sự ra đời sân khấu kịch tư nhân do NSƯT Trần Lực làm “thủ lĩnh” chính thức ra mắt với vở kịch “Cơn ghen của Lọ Lem” được dàn dựng theo phong cách mới mẻ được nhiều người ví von là “cơn gió lạ” của sân khấu phía Bắc. Vừa qua, đoàn kịch Luc Team đã công diễn vở hài kịch “Quẫn” của cố tác giả Lộng Chương nhân 100 năm ngày sinh của ông, đem đến cho khán giả những cảm nhận mới mẻ về sân khấu kịch nói Hà Nội.

Việc thành lập, duy trì một đoàn kịch trong bối cảnh hiện nay là điều không dễ dàng. Với những thành công và nỗ lực của các đạo diễn trong thời gian qua, hi vọng sẽ mang đến cho sân khấu kịch những làn gió mới đáng để cho những người yêu sân khấu kỳ vọng vào những thay đổi tích cực trong năm 2018.

Mùa kịch Tết đã trở nên quen thuộc với những người làm sân khấu. Các đạo diễn đều cố gắng làm mới tác phẩm để kéo khán giả đến rạp trong thời buổi công nghệ thông tin. Cái khó là chọn đề tài sao cho hấp dẫn, hợp không khí vui tươi của ngày Tết và đến khi hết Tết, các vở này vẫn có thể sống được, đó là trăn trở của nhiều nghệ sĩ sân khấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ