Giữ nét đẹp văn hóa du lịch ngày xuân

GD&TĐ - Vãn cảnh, đi lễ chùa đầu năm, cầu mong những điều tốt lành đến trong năm mới cho mình và gia đình là nét đẹp văn hóa du lịch đầu năm mới. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tổ chức tour đến các địa điểm nổi tiếng trong và ngoài nước.  

Người dân nô nức đi lễ hội chùa Hương những ngày đầu năm mới
Người dân nô nức đi lễ hội chùa Hương những ngày đầu năm mới

Nhu cầu tăng cao

Nhằm hút khách, những năm gần đây, các doanh nghiệp lữ hành cho ra mắt nhiều gói tourdu lịchtâm linh đến các địa điểm nổi tiếng trong và ngoài nước dịp đầu năm mới. Điểm đến là các ngôi chùa lớn trong nước như: Chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính, Linh Ứng, Thiên Mụ, Phật Tích… với thời gian trong khoảng từ 1 đến 2 ngày, giá tour dao động trong khoảng từ 1 đến 3 triệu đồng. Với cách tổ chức tour hợp lý về giá, thời gian và cơ sở lưu trú đảm bảo an toàn… các doanh nghiệp lữ hành đã thu hút rất đông khách du lịch.

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tại một số điểm du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố, dịp đầu năm cho thấy, lượng khách đều tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2018. Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, từ ngày 2/2 đến hết ngày 10/2 tổng số khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 514.866 lượt khách, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng du lịch những ngày đầu năm, khách du lịch thường đi theo đoàn đông từ 15 đến 40 người, điều này không những giúp cho chi phí ăn, ở của khách du lịch tiết kiệm đáng kể mà còn góp phần vào việc kích cầu, tăng trưởng, phát triển kinh tế địa phương. Chị Phạm Ngọc Trinh, cán bộ Hội Phụ nữ huyện Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ: Đầu xuân năm mới cùng các chị em trong huyện đi du xuân tại Yên Tử trong 2 ngày mùng 5 và 6 Tết Kỷ Hợi. Đoàn đi 35 người nên việc thuê xe, ăn, ngủ cũng đỡ tốn kém hơn. Chi phí trung bình cho chuyến đi khoảng 1 triệu đồng/người.

Ngoài những điểm đến trong nước, khách có thể chọn những địa danh khác trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Thái Lan…

Lối vào chùa Trấn Quốc đông nghịt người trong những ngày đầu xuân (Ảnh: K.S)
  • Lối vào chùa Trấn Quốc đông nghịt người trong những ngày đầu xuân (Ảnh: K.S)

Gìn giữ nét đẹp văn hóa

Du lịch tâm linh là nét đẹp văn hóa của nhiều người dân Việt trong dịp Tết đến, xuân về. Những năm gần đây, kinh tế phát triển, nhiều người dân chọn đi du lịch để được nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời đáp ứng nhu cầu du ngoạn và tâm linh.Nắm bắt được xu hướng này, nhiều nhà đầu tư cũng như các công ty lữ hành đã tập trung đầu tư, kinh doanh, khai thác triệt để các khu du lịch tâm linh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc phát triển văn hóa địa phương, khiến khách du lịch thất vọng.

Để khắc phục những hạn chế, đồng thời phát huy, phát triển những nét đẹp văn hóa, truyền thống tại các khu du lịch địa phương, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Việc phát triển du lịch tâm linh nói riêng và du lịch Việt nói chung, trước hết chất lượng sản phẩm du lịch phải được nâng cao; Dịch vụ du lịch cần phải đa dạng, phong phú; Chất lượng nhân lực phải được cải thiện...

Ngành du lịch vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc quản lý các khu du lịch. Những vấn đề như, quản lý tour giá rẻ như thế nào; Cơ sở hạ tầng cần phải cải thiện hơn, nhất là các đường bay thẳng cần phải được tăng cường; Công tác quảng bá xúc tiến du lịch cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm... Kinh nghiệm của Thái Lan cũng như nhiều nước khác trên thế giới cho thấy, nếu như từng người dân hiểu được và làm tốt công tác quảng bá hình ảnh thì chính họ cũng đã góp phần vào việc quảng bá hình ảnh đất nước và du lịch Việt Nam.

Phát triển du lịch lễ hội nói riêng năm nào cũng có những vấn đề cần giải quyết. Bên cạnh những nét đẹp truyền thống vẫn còn những biểu hiện lệch lạc, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp khắc phục; Ngành VH, TT&DL đã ban hành nhiều văn bản để góp phần chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội; Tuy nhiên, để phát huy được những nét đẹp văn hóa và để du khách đến với các lễ hội ngày một đông hơn rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là những người dân địa phương và khách du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.