3.000 đại biểu tham dự lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch

GD&TĐ - Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) vừa diễn ra buổi gặp mặt báo chí thông tin về chương trình đại lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học kỷ niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị tổ sư ni tiền bối hữu công.

Buổi gặp mặt báo chí thông tin về sự kiện.
Buổi gặp mặt báo chí thông tin về sự kiện.

Ni sư Diệu Nhân (1042 – 1113) thế danh là Lý Ngọc Kiều, là con gái của Phụng Càn Vương – Lý Nhật Trung, là cháu nội Vua Lý Thái Tông (1000 – 1054) và là con nuôi vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072).

Ni sư xuất gia tu Phật, làm đệ tử của Thiền sư Chân Không (1046 – 1100) nối pháp đời thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi; là người tu hành đắc đạo, tài đức vang dội triều dã, công đức sánh ngang với hàng Tăng chúng; xứng danh là vị Tổ Sư Ni tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam – Phật sử Trung Ni, vô song hào kiệt.

Để tưởng niệm, nghiên cứu cuộc đời, đạo nghiệp của ni sư Diệu Nhân và các thế hệ Tổ Sư Ni tiền bối, nữ Phật tử hữu công trong lịch sử, noi gương và học tập tấm gương hạnh tuệ của Ngài, Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học kỷ niệm 906 năm ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng Chư vị Tổ Sư Ni tiền bối hữu công được tổ chức thành kính, trang nghiêm, long trọng, an toàn và tiết kiệm từ ngày 25 đến 27/10.

Phát biểu tại buổi họp báo, Hoà thượng Thích Thanh Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội nêu bật vai trò quan trọng của Ni giới trong việc tham gia công tác tại các ban ngành như Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, các tổ chức từ thiện... Giáo hội Phật giáo Việt Nam có phân ban Ni giới đại diện cho Ni giới từ Trung ương đến địa phương.

Tại các cơ sở đào tạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có sự xuất hiện của Ni giới và những đóng góp của họ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đại lễ diễn ra với nội dung cụ thể: Lễ dâng hương tại chùa Hương Hải nơi ni sư Diệu Nhân tu hành viên tịch; hội thảo khoa học; thắp nến tri ân; Đại lễ tưởng niệm...

Về hội thảo, cho đến nay Ban tổ chức đã nhận 110 bài của các học giả, các nhà nghiên cứu, chư tôn đức, các cơ quan quản lý Nhà nước... Hội thảo đề cập nhiều lĩnh vực: Sử học, triết học, Phật học, văn học, xã hội học... Đây là hội thảo lớn nhất từ trước đến nay. Đại lễ dự kiến có 3.000 người tham dự. 

Đại lễ tưởng niệm và hội thảo là sự kiện quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là của hàng ni giới và nữ phật tử Việt Nam nhằm thực hiện hữu hiệu phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ