“Tiếng vọng": Nối tiếp dòng chảy điêu khắc của người Việt từ ngàn xưa

GD&TĐ - "Tiếng vọng", tên triển lãm điêu khắc cá nhân đầu tiên của nhà điêu khắc Trần Văn An sau 9 năm tham gia hoạt động nghệ thuật (2010 - 2019) đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Triển lãm điêu khắc cá nhân đầu tiên của nhà điêu khắc Trần Văn An.
Triển lãm điêu khắc cá nhân đầu tiên của nhà điêu khắc Trần Văn An.

Triển lãm "Tiếng vọng" giới thiệu tới công chúng yêu mỹ thuật thủ đô những tác phẩm mới được nhà điêu khắc Trần Văn An sáng tác trên chất liệu kim loại (sắt và thép không gỉ), được tạo hình với kỹ thuật gò và hàn điện.

Đây được coi là sự nối tiếp dòng chảy truyền thống của người Việt từ ngàn xưa trong chế tác kim loại một cách điêu luyện.

Với việc lấy những mảnh kim loại to nhỏ khác nhau, nhà điêu khắc Trần Văn An đã hàn lên bề mặt những mảnh kim loại với những vết hàn mạnh mẽ tựa như những khối chấm tròn hình đinh tán trang trí trên những tấm áo giáp sắt, mũ giáp của quân đội Đại Việt xưa nhưng mang tinh thần của nghệ thuật tạo hình hiện đại.

Những mảnh kim loại ấy được tác giả tạo hình đơn lẻ với những nội dung khác nhau và ghép chúng lại với nhau thành nhóm trưng bày trong triển lãm, giống như những tấm áo giáp sắt Đại Việt không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại những mảnh ghép đang nằm sâu dưới các tầng khảo cổ.

Họa sĩ Trịnh Tuân phát biểu tại khai mạc.
Họa sĩ Trịnh Tuân phát biểu tại khai mạc.

Họa sĩ Trịnh Tuân, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhận xét, Trần Văn An là một gương mặt đặc biệt trong ngôn ngữ tạo hình hiện nay.

“Trong thời điểm mà nhiều nghệ sĩ dùng chất liệu thép, kim loại cho tác phẩm của mình như Khổng Đỗ Tuyền, Vũ Bình Minh…, Trần An có một ngôn ngữ hoàn toàn khác. Vết hàn khỏe, khối tự thân và không có nhiều chi tiết kể lể, người xem có thể thấy các tác phẩm của anh đang bắt kịp luồng tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật đương đại”.

“Với triển lãm “Tiếng vọng”, tôi thích các tác phẩm của Trần Văn An trên mặt phẳng nhiều hơn trên khối, bởi có lẽ anh đang muốn giới thiệu đến người xem về điêu khắc trên mặt phẳng, điêu khắc nhiều chiều, nhiều góc cạnh, nhiều cách tiếp cận.

Nếu không nhìn theo con mắt của người trong nghề, công chúng sẽ thấy đây dường như là những bức tranh làm bằng chất liệu thép. Song, đó mới đích thực là ngôn ngữ hiện đại, điêu khắc cũng có thể chỉ là một mặt phẳng”, họa sĩ Trịnh Tuân khẳng định.

Nhà điêu khắc Trần Văn An sinh năm 1981 tại Ý Yên, Nam Định. Anh từng tốt nghiệp chuyên ngành Điêu khắc, khoá 52 (2008 – 2013) và Cao học chuyên ngành Điêu khắc khóa 16 (2013 – 2016) trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Tham gia hoạt động nghệ thuật từ năm 2010 cho tới nay với nhiều triển lãm, Workshop nghệ thuật, trại sáng tác nghệ thuật trong và ngoài nước, nhà điêu khắc trẻ Trần Văn An đã đạt nhiều giải thưởng qua các triển lãm do Cục Mỹ Thuật, Nhiếp Ảnh và Triển Lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hội Mỹ Thuật Việt Nam tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.