(GD&TĐ) - Xung quanh vụ án 10 năm tù oan sai ở Bắc Giang, những ngày qua, dư luận vẫn tiếp tục chờ đợi kết quả của việc xác định có hay không hành vi bức cung, dọa dẫm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn từ cơ quan điều tra.
Nguyên do của mối quan tâm ấy không chỉ là nỗi niềm mong mỏi của nhân dân ở sự bù đắp thiệt thòi, mất mát cho một số phận có cả gần 4.000 ngày ngồi tù oan, mà còn là sự chờ mong vào cán cân công lý công bằng trong một xã hội văn minh, nhân quyền theo đúng nghĩa.
Điều mà dư luận băn khoăn nghi ngại là một người nông dân nhẫn nhục tới mức đã phải nhắm mắt, cúi đầu khai nhận và kí vào các bút lục nhận tội giết người có đủ khả năng để chứng minh việc mình bị bức cung hay không? Bởi vì cốt lõi của bi kịch oan sai chính là ở chỗ bị cáo ra hai cấp tòa đều phản cung rồi liên tục kêu oan mà vô hiệu.
Không chỉ riêng trên thế giới, ở nước ta, những trường hợp được trắng án sau khi bị kết án, bị tù đày cũng không phải là hi hữu. Chắc chắn, những ai đã từng bị xét xử oan sai, phải trải qua một thời gian ở chốn tù ngục, đến khi được minh oan và trả tự do đã phải hao tổn nhiều không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần, ý chí, niềm tin.
Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để giải quyết tận gốc mầm mống gây nên nỗi đau oan khốc ở chốn pháp đình. Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, xin được đề cập tới một vấn đề lâu nay còn ít được bàn định rộng rãi nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần thượng tôn pháp luật và uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, đó là văn hóa pháp đình.
Khá nhiều người có người thân vào vòng lao lý đều cho biết, họ bị ám ảnh rất lớn khi phải trải qua những giờ phút nặng nề, căng thẳng, chứng kiến người điều hành phiên tòa theo cảm tính, quát nạt, cắt lời người khác hay đưa ra những bình phẩm mang tính chủ quan.
Có trường hợp khi bị cáo khai chưa đúng như dự định chủ quan của chủ phiên tòa thì lập tức bị cắt ngang, bị miệt thị một cách thô thiển, thậm chí bị cáo còn bị chỉ tay vào mặt quát mắng…
Những điều này tạo nên sự phản cảm không đáng có ở nơi lẽ ra phải rất uy nghiêm, tạo nên sự bức xúc cho những người liên quan, trong khi theo điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự, thẩm phán – “chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm điều khiển phiên tòa sao cho mọi lập luận buộc tội và gỡ tội được tranh luận, phản biện một cách bình đẳng, thấu lý, đạt tình mà mục đích chính là tìm ra sự thật khách quan của vụ việc”.
Nhưng trong thực tế, có những phản biện của luật sư, bị cáo, nhân chứng bị bỏ qua mà chủ tọa phiên tòa không yêu cầu kiểm sát viên tranh luận. Vẫn còn trường hợp Hội đồng xét xử, kiểm sát viên tuyên bố không chấp nhận lời khai tại phiên tòa của bị cáo mà không nêu ra được lý do.
Hiện tượng người nói ở trên cứ nói, không cần biết người nghe có nghe rõ hay không ở một số phòng xử, do micro kém chất lượng vẫn còn khá phổ biến, vừa kéo dài thời gian vừa ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.
Thiết nghĩ, những người cầm cán cân công lý, ảnh hưởng một cách trực diện tới số phận con người thì yếu tố văn hóa trong họ phải hội đủ theo nghĩa rộng; đòi hỏi không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng mà phải có cái tâm trong sáng, tận tụy, có khả năng sáng tạo để phục vụ chân lý...
Với những thẩm phán như vậy, chắc chắn sẽ không bao giờ để xảy ra việc xét xử không đúng người, không đúng tội và không đúng pháp luật. Vậy, làm thế nào để hệ thống, bội thẩm, kiểm sát viên, thẩm phán… của tòa án nhân dân các cấp thận trọng khi cầm cán cân công lý, xử đúng người, đúng tội, tạo được niềm tin và tránh gây tổn thất cho con người? Chắc chắn, đó không chỉ là nỗi trăn trở của riêng một cá nhân nào trong xã hội.
Hồng Thúy