Văn hóa nhổ bọt

GD&TĐ - Gõ từ khóa “người Việt nhổ bọt”, chỉ sau 0,35 giây Google đã cho 485.000 kết quả.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hậu quả từ việc nhổ nước bọt không đúng chỗ, đúng lúc, đúng thời điểm gây ra rất nhiều tác hại. Không chỉ là chuyện bị người khác đánh giá, nhổ nước bọt còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh tật; thậm chí dẫn tới án mạng. 
Thi thoảng trên các mặt báo, lại có thông tin liên quan đến những vụ án liên quan đến nhổ bọt. Người Việt ở nước ngoài, cũng thường xuyên bị chính quyền sở tại nhắc nhở hoặc xử phạt về hành vi này.

Ở vùng quê, người dân nhổ bọt ra đường. Ở thành phố, hành vi ấy còn dày đặc hơn. Nhiều người cho rằng, nhổ bọt trở thành một “đặc sản”, một “nét văn hóa” của Việt Nam?

Điều ấy không đúng, nhưng không hẳn là sai.

Thử quan sát người Việt nhổ bọt nơi công cộng, thấy đa số rất tự nhiên, hiếm có ai cảm thấy xấu hổ. Đi trên đường phố, đã vài lần tôi trở thành nạn nhân của nạn nhổ bọt bừa bãi. Bọt từ trong ô tô bay ra, bọt từ xe máy phía trước bay lại, bọt từ người đi bộ trên vỉa hè bắn trúng.

Thậm chí, đã có lần tôi dính bọt từ chính những người đang ngồi trong quán nước, trong quán cà phê, và cả trong thư viện. Còn trong bệnh viện, bến xe thì chính là những địa điểm không thiếu gì bọt. Người Việt ta nhổ bọt mọi nơi, mọi lúc và bất chấp tất cả.

Tôi có người bạn Ấn Độ đến Hà Nội đã lâu. Anh dạy Yoga trong một trung tâm ở quận Hà Đông. Hôm rồi, anh mở điện thoại cho những người bạn xem tin tức về hai người Việt bị cáo buộc nhổ nước bọt trong thang máy ở đất nước của anh. Anh chưa vội kết luận mà kể câu chuyện có thật trong chính trung tâm anh đang dạy. 

Bao giờ cũng vậy, trước khi vào bài học mới, anh bạn Ấn Độ đều yêu cầu các học viên điều khiển hơi thở, không ho, không khạc nhổ. Các học viên rất tiếp thu. Nhưng khi bài học kết thúc, một số cố chạy ra ngoài để… nhổ bọt.

Anh bạn người Ấn Độ khó chịu nên từng dành nửa buổi để thảo luận “hướng dẫn nhổ bọt đúng cách – đúng nơi quy định”. Anh nói với mọi người, hành vi khạc nhổ bừa bãi rất không văn minh, là thói quen rất xấu và bẩn. Ai cũng đồng ý với anh, nhưng sau buổi thảo luận, anh bạn nước ngoài vẫn thấy học viên của mình khạc nhổ.

Hành vi khạc nhổ vô văn hóa rất cần bị lên án. Tuy nhiên, chẳng mấy ai dũng cảm để lên án, vì chỉ mới nhắc nhở thôi thì có thể bị chửi mắng, hoặc nặng hơn có thể bị hành hung, bị cướp đoạt đi mạng sống.

Ai cũng muốn được sống trong một xã hội văn minh, nhưng hành động đi ngược văn hóa vẫn cứ lan tràn. Cha chung không ai khóc, chẳng ai coi bầu không khí trong lành là tài sản chung nên cứ tự tiện khạc nhổ. 

Có thể những kẻ khạc nhổ bừa bãi cũng ý thức hành động của mình là vô văn hóa, làm ảnh hưởng môi trường, có thể gây bệnh truyền nhiễm cho người khác… nhưng họ vẫn cứ nhổ. 

Trong khi các nhà hoạch định chính sách chưa hoàn thiện quy định chế tài cụ thể, đủ sức răn đe cho hành vi khạc nhổ, thì mỗi người cần tuyên chiến với hành vi đáng loại bỏ này. Chúng ta có thể học đất nước Singapore, họ từng mở cuộc vận động chống khạc nhổ bừa bãi từ những năm 1960. Sau mấy chục năm kết hợp vận động kiên trì và xử phạt thẳng tay, cả thế giới đã biết đến một Singapore sạch đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.