Lời tòa soạn: Quý bạn đọc đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Ở bài viết này, tác giả chia sẻ kiến thức, nhận thức, bài học của mình về việc vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa xã hội vào sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam sau khi đọc tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình khoa học có tầm khái quát, đúc kết thực tiễn và nêu lên những vấn đề lý luận về mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cuốn sách tập trung vào lý giải sắc bén vấn đề vừa có tính dân tộc vừa mang tính thời đại. Đó là, xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp cách mạng vẻ vang nhưng cần phải hiểu thế nào cho đúng; phải làm gì và cách thức nào trên con đường đổi mới.
Đây là vấn đề cốt lõi, cực kỳ khó khăn và phức tạp, rất dễ rơi vào chủ quan duy ý chí, dễ phạm sai lầm, vấp váp.
Đảng ta đang lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, nên cần phải luôn tìm tòi, sáng tạo sao cho phù hợp trên con đường kiên định và giữ vững độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, là trách nhiệm cực kỳ quan trọng, có thể nói là sống còn của Đảng đối với dân tộc.
Với tác phẩm gồm 29 bài viết, bài phát biểu tâm huyết và sâu sắc trên những diễn đàn lớn, diễn văn Đại hội, hay những công trình khoa học của một người vừa đứng đầu Đảng, vừa là nhà nghiên cứu lý luận đã thể hiện niềm tin yêu mãnh liệt và quyết tâm hiện thực hóa con đường cách mạng, mà Đảng và Bác Hồ đã chọn; lý giải và làm rõ những vấn đề đặt ra với những luận chứng khoa học, sắc bén trên cơ sở tổng kết thực tiễn với tầm nhìn chiến lược bao trùm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Cuốn sách vừa có giá trị về mặt khoa học, kết tinh trí tuệ, vừa thể hiện được phẩm giá của một chiến sĩ cách mạng, đầy tâm huyết với Đảng với dân; được toát ra từ nhân cách, lối sống cao đẹp, giản dị.
Đọc những bài viết của Tổng Bí thư thấy có niềm tin, có sức thuyết phục cao trước thực tiễn cuộc sống, bởi những vấn đề lớn của thời cuộc mà được lý giải rõ ràng, dung dị, dễ hiểu dễ đi vào lòng người, có sức thu hút đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Những lập luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là cơ sở để đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch; làm thất bại những âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” gây hoang mang dao động trên con đường thực hiện sự nghiệp đổi mới; hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin vững chắc vào con đường phát triển của dân tộc, vào vai trò vị trí của Đảng Cộng sản, có sức thuyết phục đối với mọi tầng lớp nhân dân.
Với tư duy khoa học và thực tiễn, tác giả đã lý giải những nhiệm vụ đang đặt ra về sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của dân tộc, với bản chất của chủ nghĩa xã hội và xu thế của thời đại đã được chủ nghĩa Mác-Lênin nêu ra: “Giải phóng loài người thông qua các cuộc cách mạng xã hội, với tầm trí tuệ nhân loại và hướng tới mục tiêu đảm bảo chất lượng cuộc sống tự do, hạnh phúc”.
Theo đó phải đặt cuộc cách mạng xã hội, chủ nghĩa xã hội khoa học trong sự phát triển của quá trình tìm tòi và sáng tạo thường xuyên; phải kiên định và tỉnh táo trước mọi diễn biến sôi động của thời cuộc để nhận biết tính ưu việt cũng như những tồn tại, tiêu cực, chủ động khắc phục những nhược điểm, khuyết tật trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nói chung và của mỗi nước xã hội chủ nghĩa nói riêng; phải giữ vững nguyên tắc và căn cứ vào thực tiễn “của điểm xuất phát”, gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc để kế thừa và phát huy nhằm lựa chọn được phương thức phát triển phù hợp nhất.
Cuốn sách đã nêu lên những vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa xã hội và sự vận dụng sáng tạo vào Việt Nam để có mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội với bước đi ngày càng hoàn thiện.
Điều có ý nghĩa quan trọng nữa đó là với mục tiêu xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một xã hội hòa bình, ấm no, hạnh phúc ở Việt Nam nhưng lại có trách nhiệm và đóng góp vào nỗ lực vì sự tiến bộ, phát triển bền vững của nhân loại.
Cho nên bạn bè quốc tế và nhiều chính Đảng trên thế giới rất quan tâm đến cuốn sách của Tổng Bí thư Đảng ta, coi đây là tư liệu quý rất có giá trị trong việc giải đáp và trả lời cho nhiều vấn đề đặt ra mà những người cộng sản, những người đi theo chủ nghĩa xã hội khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận đang trăn trở.
Tăng thêm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội với một thực tế đầy thuyết phục ở Việt Nam trên con đường đổi mới, giữ vững độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới.
Khái quát về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tác giả cho rằng phải kiên định những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Với khuôn khổ, điều kiện và từng giai đoạn lịch sử cụ thể, việc đổi mới, sáng tạo phải thực hiện bằng các cách thức và bước đi phù hợp với tinh thần độc lập tự chủ và tư duy khoa học; là con đường đi lên của mỗi dân tộc nhưng phải phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, bởi chủ nghĩa xã hội là sản phẩm của nhân loại.
Toàn Đảng, toàn dân phát huy sức mạnh tổng hợp, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, giá trị văn hóa, tinh hoa thời đại để vượt qua mọi khó khăn, thách thức; “năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; thiết thực hiệu quả cao hơn nữa…; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc; đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh”.