Vận động phụ nữ mặc áo dài ở Hà Nội: Tranh luận trái chiều

GD&TĐ - Trước lời vận động phụ nữ ở Thủ đô mặc áo dài vào ngày thứ Hai và thứ Sáu hằng tuần; cộng đồng mạng người ủng hộ, người lại băn khoăn...

Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ với việc chị em phụ nữ sẽ mặc áo dài vào thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần (Ảnh: Facebook)
Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ với việc chị em phụ nữ sẽ mặc áo dài vào thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần (Ảnh: Facebook)

Trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2024 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, sáng 1/10, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tổ chức Chương trình phát động Tháng Áo dài Hà Nội năm 2024.

Chương trình hướng đến mục đích tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên cùng toàn thể công chức, viên chức, người lao động công tác tại các cơ quan, đơn vị Trung ương, thành phố; các doanh nghiệp, công ty, đơn vị, học sinh, sinh viên nữ ở Thủ đô đồng loạt mặc áo dài vào ngày thứ Hai và thứ Sáu hằng tuần; khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ mặc áo dài trong các hoạt động kỷ niệm, chương trình, sự kiện quan trọng của đơn vị.

Tháng Áo dài Hà Nội diễn ra từ ngày 1/10 đến hết ngày 20/10. Đây không chỉ là dịp để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ cùng với tà áo dài, mà còn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu áo dài Việt Nam đến bạn bè quốc tế, khẳng định giá trị của chiếc áo dài trong đời sống hiện đại. Bên cạnh đó, việc diện trên mình chiếc áo dài cũng thể hiện tình yêu, tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người phụ nữ Thủ đô.

Ngay khi thông tin về việc vận động khuyến khích phụ nữ mặc áo dài vào thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần xuất hiện trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều cuộc tranh luận sôi nổi đã bắt đầu xoay quanh vấn đề này.

05934972-e679-4007-bc7a-16bd6eecad82-4282.png
Một số ý kiến của cộng đồng mạng (Ảnh: Facebook)

Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ với việc chị em phụ nữ sẽ mặc áo dài vào ngày thứ 2 đầu tuần và ngày thứ 6 cuối tuần, thậm chí cho rằng điều này có thể trở thành quy định tại các cơ quan: "Ủng hộ nhé, rất ý nghĩa", "Tôi đồng ý, thay vì chỉ giới hạn ở một số ngành đặc thù như giáo viên, phụ nữ ở mọi ngành nghề đều nên mặc áo dài. Điều này không chỉ tạo nét đẹp công sở mà còn đậm nét truyền thống của người phụ nữ Việt", "Tôi thấy điều này hoàn toàn phù hợp. Mỗi cơ quan, đoàn thể có thể may áo dài đồng phục và nâng điều này thành quy định chính thức."

Nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ niềm yêu mến với trang phục truyền thống của phụ nữ Việt, cho rằng việc mặc áo dài còn có thể tạo nên hình ảnh đẹp đối với những du khách đến tham quan Hà Nội.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng điều này không phù hợp và đặt ra nhiều câu hỏi về sự khả thi.

Nhiều ngành nghề yêu cầu tính vận động cao, không phù hợp với việc mặc áo dài. Hơn nữa mỗi người đều có quyền lựa chọn trang phục mà mình yêu thích, rất nhiều người không muốn mặc áo dài vì những khuyết điểm trên cơ thể: “Đi làm nó có phù hợp?”, "Những người có thân hình béo ú như tôi không thích tí nào, mặc vào chỉ ngấn mỡ ra mà thôi", "Áo dài thường không co giãn, phù hợp khi có sự kiện thôi chứ bình thường kể cả có ngồi văn phòng 8 tiếng cũng rất khó chịu nhé".

Bên cạnh đó, chi phí để may áo dài cũng là điều mà nhiều người nghĩ đến. Nhiều chị em phụ nữ còn có gia đình, rất nhiều khoản chi tiêu nên không thể bỏ ra một khoản để may áo dài được.

Hiện 2 luồng ý kiến tranh luận về việc có nên mặc áo dài vào ngày thứ Hai và thứ Sáu hằng tuần hay không vẫn được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.