Để áo dài thực sự trở thành thương hiệu quốc gia và là một sản phẩm của công nghiệp văn hóa, việc chuẩn hóa áo dài không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trọng tâm để phát huy giá trị di sản.
Nhắc tới áo dài là nhắc tới Việt Nam
Cho đến nay, rất nhiều hội thảo quốc gia về áo dài từng được tổ chức. Bên cạnh đó cũng rất nhiều cuộc thi, lễ hội áo dài ở cả ba miền được hưởng ứng. Với mỗi người Việt Nam, áo dài thực sự là một di sản đậm đặc bản sắc. Tuy nhiên, về pháp lý thì áo dài Việt chưa đủ tính chính danh, ngay cả việc lập hồ sơ ghi danh di sản quốc gia vẫn chưa thể làm được (trừ “tri thức may - mặc áo dài Huế”).
Áo dài gắn liền với lịch sử - văn hóa Việt Nam, trở thành một hằng số góp phần định vị thương hiệu quốc gia, đồng thời cũng là sản phẩm riêng có của Việt Nam. Từ năm 2004, từ “áo dài” được đưa vào từ điển Oxford, trở thành một trong ba từ tiếng Việt được xuất hiện trong cuốn từ điển tiếng Anh này.
Từ khi Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với 12 lĩnh vực được xác định, trong đó có ngành “Thiết kế”, thì áo dài trở thành một sản phẩm văn hóa sáng tạo được định hình để phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời, áo dài cũng trở thành sản phẩm du lịch, là “món quà” để quảng bá văn hóa, định hình đặc trưng văn hóa Việt Nam cùng sự khác biệt với văn hóa các nước trong khu vực và quốc tế.
Trong vài năm trở lại đây, cùng với thực tế thúc đẩy tà áo dài trở thành một di sản chính danh, nhiều cuộc hội thảo, cuộc thi, lễ hội áo dài được tổ chức khắp Bắc – Trung – Nam nhằm thu thập các ý kiến, tư liệu… xây dựng hồ sơ ghi danh. Trong đó, Bộ VH,TT&DL cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từng chủ trì nhiều chương trình đem lại ý nghĩa và giá trị lan tỏa.
Theo Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL), trên phương diện quốc tế, áo dài là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Do vậy, quảng bá nét đẹp áo dài Việt Nam là một trong những nội dung được ưu tiên chọn lựa trong những chương trình quốc tế. Lần gần đây nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì một hội nghị xúc tiến tại Hàn Quốc, trong đó có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm quảng bá hình ảnh áo dài.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, tình cảm dành cho áo dài đối với người Việt là rất lớn nhưng cần phải có cơ sở. Muốn áo dài thành di sản phải có những điều kiện mang tính pháp lý, bởi danh có chính thì ngôn mới thuận, ngôn có thuận thì sự mới thành.
PGS.TS Phạm Văn Dương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang gìn giữ các giá trị truyền thống rất tốt. Trang phục truyền thống của họ có giá trị rất cao ở sự kết tinh các yếu tố bản sắc. Ở nước ta, thực tế cho thấy ngay cả các làng nghề truyền thống về lụa như Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam)… đang bị mai một và có xu hướng chạy theo công nghiệp.
Trong khi đó, để có được một bộ áo dài truyền thống mang được tinh hoa bản sắc thì đòi hỏi đồng bộ liên ngành truyền thống, từ khung dệt, cách trồng dâu nuôi tằm, cách thảo sắc, cách may, mẫu may… chứ không phải cứ đem một vài bộ áo dài ra, rồi khẳng định đây là truyền thống.
Chuẩn hóa tạo lập các giá trị thẩm mỹ
Có thể thấy, trong các cuộc hội thảo, tọa đàm về áo dài, hầu hết các ý kiến cuối cùng để kết luận cho văn bản khuyến nghị, đều bằng câu “áo dài Việt Nam xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể”. Nhưng đó mới chỉ là một vế ở phần nổi, vế còn lại chính là những băn khoăn về sự chuẩn hóa của áo dài Việt.
Mục tiêu đưa áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và xa hơn nữa là đề nghị UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, giới chuyên gia khuyến nghị nhiều việc cần phải thực hiện bằng được. Đầu tiên chính là hình thái của chiếc áo dài, phải chọn ra đâu là hình thái chuẩn mực – áo tứ thân hay ngũ thân, vì khi đăng ký phải là một hình thái cụ thể, chi tiết, rõ ràng.
Tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống: Kinh nghiệm của cộng đồng và nhà quản lý”, do CLB Đình làng Việt phối hợp với Sở VH-TT Thừa Thiên Huế, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức mới đây, nhà nghiên cứu Vũ Đức thẳng thắn về sự sai lệch trong tri thức liên quan tới trang phục truyền thống. Trong đó, hàng loạt nhà may “sao chép” mọc lên nhằm thương mại hóa văn hóa.
Ông Đức cho rằng, cần công bố công khai hiện vật trong các đơn vị văn hóa khi trưng bày trang phục truyền thống, để công chúng và nhất là những người làm nghề may áo dài có cơ sở để xác định tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của áo ngũ thân: “Việc công khai sẽ mở ra các chiều hướng có lợi khi có sự đóng góp trong việc nghiên cứu, học thuật để tính thật – giả, đúng – sai được kiểm chứng. Việc công khai cũng có lợi hơn so với việc để một vài nhóm tự phổ biến, tự quảng cáo khi tính thật – giả không được kiểm nghiệm”.
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế cũng khẳng định cần chuẩn hóa, xây dựng mạng lưới liên kết giữa nghệ nhân, nhà thiết kế áo dài trên phạm vi cả nước. Cần đào tạo thợ may, nhà thiết kế am tường công việc thiết kế, cắt may và hiểu rõ giá trị của chiếc áo dài thì mới mong tạo lập các giá trị thẩm mỹ.
“Từ kinh nghiệm và thành quả đã đạt được khi “tri thức may, mặc áo dài Huế” được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (8/2024), có thể lấy Thừa Thiên Huế làm “điểm mẫu” cho việc chuẩn hóa, khắc phục tình trạng may áo dài thiếu chuẩn xác hiện nay”, ông Hải nhấn mạnh.
“Cần nghiên cứu bài bản, có hệ thống khoa học để đưa ra những cơ sở về lịch sử, hình thành và phát triển của áo dài Việt Nam. Đó là tính chính danh đầu tiên để cộng đồng quốc tế nhận diện những giá trị của áo dài Việt. Cơ sở khoa học này cũng là cơ sở pháp lý để công nhận áo dài ở bình diện quốc gia, tiến tới bình diện quốc tế” - PGS.TS Phạm Văn Dương.