Vấn đề môi trường - thách thức lớn nhất biến đổi khí hậu trong điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội đặc trưng của Việt Nam

Vấn đề môi trường - thách thức lớn nhất biến đổi khí hậu trong điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội đặc trưng của Việt Nam

(GD&TĐ) - Chiều nay 26/7/2012 tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại sứ quán Na Uy tổ chức Lễ ký kết pha 2 của dự án “Tăng cường năng lực giảm thiểu và thích ứng với địa tai biến liên quan đến môi trường và phát triển năng lượng ở Việt Nam”. Tham dự và ký kết có ngài Stale Tostein Risa - Đại sứ Vương quốc Na Uy tại Việt Nam, GS.TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại sứ Na Uy  và Giám đốc ĐHQG Hà Nội ký và trao văn bản hợp tác
Đại sứ Na Uy và Giám đốc ĐHQG Hà Nội ký và trao văn bản hợp tác

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu đến dân cư, GDP, khu đô thị và các vùng đất ngập nước. Ngoài điều kiện tự nhiên, các hoạt động của con người trong những thập kỷ gần đây, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới kinh tế, cũng đã làm thay đổi môi trường một cách rõ rệt. Các tác nhân tự nhiên và nhân sinh này luôn có diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong việc ứng phó với các tác động ngày càng gia tăng của thiên tai. Kinh nghiệm của địa phương trong quá khứ dù ít hay nhiều đều có đóng góp cho các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ thiên tai trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhận biết và thích ứng khôn ngoan với những tác động lâu dài của biến đổi khí hậu và sự cường hóa của các tai biến thiên nhiên là điều rất khó khăn. 

Được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Vương quốc Na Uy, ĐHQG Hà Nội cùng các đối tác trong nước và quốc tế đã triển khai thành công Chương trình nghiên cứu về “Tăng cường năng lực giảm thiểu và thích ứng với địa tai biến liên quan đến môi trường và phát triển năng lượng ở Việt Nam”. Trong phạm vi Chương trình, hơn 100 cán bộ từ 11 cơ quan khác nhau đã tham gia các khóa đào tạo, trong đó có 25% là cán bộ nữ. Gần 20 cán bộ đã tham gia các khóa đào tạo tại Na Uy. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Na Uy, các cán bộ của ĐHQG Hà Nội đã nâng cao năng lực và có thể thực hiện độc lập việc khảo sát, đánh giá, giảm nhẹ tai biến thiên nhiên theo một quy trình tiên tiến với các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.
 
Các kết quả nghiên cứu của Chương trình đã thành lập được các bản đồ địa tai biến liên quan đến trượt lở thị xã Bắc Kạn, sụt lún, lũ lụt ở Hà Nội, hạ lưu thủy điện Cửa Đạt và xói lở khu vực ven biển sông Hồng. Đây là các nghiên cứu tiên phong trong việc đánh giá tổn thương các hệ thống tự nhiên - xã hội, tổn thất kinh tế và rủi ro gây ra bởi địa tai biến. Các kết quả đạt được của Chương trình là cơ sở đáng tin cậy nhằm đề xuất chiến lược thích hợp giảm nhẹ địa tai biến, phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Chương trình đã đóng góp thành công trong việc tăng cường năng lực bằng quy trình "vừa học - vừa làm" (learning-by-doing) thông qua công tác thực địa tại các khu vực nghiên cứu trọng điểm của Chương trình tại Việt Nam. Các chuyên gia của cả hai nước Na Uy và Việt Nam đã phối hợp, tạo dựng được mối quan hệ làm việc tốt, cùng có lợi, tạo cơ sở vững chắc cho việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc về Thiên tai và Biến đổi môi trường.

Đại sứ Stale Tostein Risa: Pha tiếp theo của Chương trình hợp tác sẽ tập trung hơn vào việc chuyển giao các công nghệ hiện đại
Đại sứ Stale Tostein Risa: Pha tiếp theo của CT hợp tác sẽ tập trung hơn vào việc chuyển giao các công nghệ hiện đại

Phát biểu tại buổi lễ, ngài Đại sứ Stale Tostein Risa cho rằng: Kết quả pha 1 của Chương trình cũng cho thấy sự cần thiết phải tiến hành những nghiên cứu sâu hơn, tập trung vào địa tai biến liên quan đến hoạt động của các công trình thủy điện lớn và biến đổi khí hậu. Pha tiếp theo của Chương trình hợp tác sẽ tập trung hơn vào việc chuyển giao các công nghệ hiện đại trong khảo sát, đo đạc thực địa, mô hình số, đánh giá tổn thương và rủi ro địa tai biến cùng với việc đẩy mạnh trao đổi sinh viên và cán bộ giữa Việt Nam và Na Uy.

Bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Vương quốc Na Uy và cá nhân ngài Đại sứ đã có nhiều sự trợ giúp với Việt Nam nói chung và ĐHQG Hà Nội nói riêng, Giám đốc Mai Trọng Nhuận khẳng định: Việt Nam đang phải đổi phó với những hệ quả của biến đổi khí hậu, những trợ giúp của Vương quốc Na Uy đối với các nhà khoa học là vô cùng quý báu. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm ứng phó với vấn đề môi trường thách thức lớn nhất - biến đổi khí hậu trong điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội đặc trưng của Việt Nam, đồng thời góp phần triển khai thành công chương trình đào tạo sau đại học đạt trình độ quốc tế liên quan đến lĩnh vực giảm nhẹ thiên tai ở ĐHQG Hà Nội.

Yên Thúy
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ