(GD&TD)-Hôm nay 10/2, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học nhằm trao đổi về các nguyên nhân gây cháy nổ phương tiện ô tô, xe máy và các biện pháp phòng tránh.
Các nhà khoa học vẫn chưa kết luận được nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ xe ô tô, xe máy |
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực liên quan với rất nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân gây cháy nổ xe máy, ô tô hiện vẫn chưa được Hội thảo khẳng định chính xác.
Các nguyên nhân được các nhà khoa học phân tích tại Hội thảo chủ yếu tập trung vào hai nội dung chính là: do ảnh hưởng từ chất lượng xăng, nhiên liệu không đạt tiêu chuẩn cho phép, vấn đề này cũng cần xem xét nghiên cứu; hai là nguyên nhân gây cháy nổ là các phụ kiện trôi nổi trên thị trường chưa được kiểm định, gắn với đó là động cơ máy kém chất lượng dẫn đến cháy nổ.
Theo PGS Lê Anh Tuấn, Phó Viện tưởng Viện cơ khí động lực, Đại học Bách Khoa Hà Nội, chất lượng phụ tùng của các nhà máy và trạm bảo dưỡng, chúng ta cần phải kiểm soát và phải có đơn vị kiểm soát. Phải quản lý tốt chất lượng xăng dầu. Hiện nay cần có tiếp thu và điều chỉnh về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nguyên liệu đạt sự thống nhất giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam. Phân cấp quản lý chịu trách nhiệm về xăng dầu cho nhà phân phối chính.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ (Bộ Công an), chỉ riêng trong năm 2011, cả nước xảy ra gần 240 vụ cháy, nổ ô tô, xe máy. Chỉ gần một tháng qua, đã có hàng chục vụ cháy nổ ô tô, xe máy trên khắp cả nước. |
Ông Tuấn đề nghị nên để cho nhà phân phối chính chịu trách nhiệm hơn là để các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm. Nếu như thế uy tín của hãng người ta phải để ý đến.
Đáng lưu ý, tại hội thảo, nhiều nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực điều tra đã đưa ra những bằng chứng khoa học chứng minh chất lượng xăng, dầu trên thị trường hiện nay mới là nghi án lớn nhất cần được điều tra thêm. Xăng dầu bị pha thêm chất khác với mục đích gian lận chỉ tiêu kỹ thuật và tăng thêm lợi nhuận là nguyên nhân mấu chốt gây ra các vụ cháy xe cơ giới trong thời gian gần đây.
Hoàng Mạnh Hùng, Nguyên Viện phó Viện khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) phân tích các nguy cơ nếu xăng pha metanol, etanol và acetone. “Thứ nhất, metanol là chất phản ứng mạnh, dễ cháy. Nó hòa tan tốt trong xăng. Việc rò rỉ do ống nhiên liệu, gioăng cao su nhiên liệu như đồng, kẽm , nhôm… bị ăn mòn khi nồng độ metanol đạt 15% trở lên. Đây là điều khẳng định để cấm. Mười hai hãng ô tô lớn trên thế giới đã khuyến cáo không được dùng phụ gia như metanol hay etanol pha vào xăng do tính chất ăn mòn đối với cao su, polime tổng hợp cũng như sự hút nước của metanol, etanol, acetone nên sản phẩm xăng dầu không được phép dùng”.
Quan điểm chung của các nhà khoa học tại Hội thảo là các cơ quan đơn vị cần phối hợp để xây dựng một công trình nghiên cứu cụ thể, phải có khung hình phạt nhất định để xử lý những vi phạm trong hoạt động này, đồng thời cấp phép hoạt động cho những đơn vị có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đề ra.
TS. Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của các chuyên gia, các đơn vị nghiên cứu và người bị thiệt hại trong những vụ cháy xe, Sở sẽ cùng với các đơn vị nghiên cứu trên cơ sở phân tích khoa học, để tìm ra nguyên nhân, từ đó có cách thức quy chế quản lý các đơn vị đầu mối sản xuất cũng như người tiêu dùng, biết cách phòng tránh cháy nổ.
Khuyến cáo hiện tại được cơ quan chức năng đưa ra đối với người dân để tránh rủi ro đồng thời bảo vệ tính mạng và tài sản của mình là: Bảo hành, bảo dưỡng xe định kỳ nhằm khắc phục kịp thời những sự cố về kỹ thuật; mua nhiên liệu tại những cơ sở đã được thanh tra cấp phép, đảm bảo về chất lượng
Minh Kiên