Xung quanh vấn đề này, Phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc phỏng vấn anh với ông Lê Quang Minh – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn.
* Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, Văn Chấn là một trong 3 huyện, thị phía Tây của Yên Bái bị thiệt hại không nhỏ. Vậy ông có thể cho biết, mưa lũ ảnh hưởng đến ngành Giáo dục của huyện như thế nào?
- Ông Lê Quang Minh: Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, mặc hệ thống trường lớp của ngành Giáo dục huyện Văn Chấn không bị thiệt hại nghiêm trọng nhưng đời sống của gia đình các giáo viên bị ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ.
Toàn huyện có 11 trường và 13 điểm trường bị ảnh hưởng bị mưa lũ; trong đó có điểm trường Muông Hán của 2 Trường mầm non Phúc Sơn, tiểu học Phúc Sơn bị nước lũ làm sạt lở hoàn toàn đường đi và bùn đất tràn vào sân;
Đặc biệt, nhà của 20 cán bộ, giáo viên ở khu vực các xã Sơn A, Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ bị lũ gây ngập lụt, cuốn trôi tài sản, giấy tờ.
Ước tính sơ bộ giá trị tài sản bị thiệt hại khoảng trên 500 triệu đồng (trong đó tài sản trong nhà bị thiệt hại do lũ ngập, cuốn trôi trị giá trên 475 triệu; 1 xe máy của giáo viên bị cuốn trôi trên đường đến trường trị giá 25 triệu đồng).
Mưa lũ cũng cuốn trôi 1 giáo viên mầm non, hiện đã tìm thấy thi thể của cô giáo này và 1 học sinh mầm non vẫn bị mất tích.
Ông Lê Quang Minh (bên trái) - trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn đến động viên và chia sẻ với gia đình cô Hà Thị Yến - giáo viên mầm non bị lũ cuốn trôi |
* Hiện công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra được được thực hiện đến đâu – thưa ông?
- Ông Lê Quang Minh: Ngay sau mưa lũ, chúng tôi đã chỉ đạo các trường đã khắc phục hậu quả để sớm ổn định trường, lớp. Phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ và hậu cần tại chỗ đã được chúng tôi áp dụng triệt để nhằm khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Theo đó, các đơn vị trường học đã huy động toàn bộ giáo viên trong trường, phối hợp với các đơn vị kết nghĩa, các đơn vị bộ đội đến lao động, tổng vệ sinh trường lớp và tu sửa kịp thời những hỏng hóc nhỏ. Đến nay, công tác khắc phục cơ bản đã hoàn tất. Hiện các trường đã ổn định việc dạy – học theo kế hoạch.
* Được biết, nhiều gia đình giáo viên bị thiệt hại nặng nề sau mưa lũ. Vậy ngành Giáo dục Văn Chấn có hỗ trợ gì cho các nhà giáo trong lúc khó khăn, hoạn nạn này?
- Ông Lê Quang Minh: Chúng tôi đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và có những hộ trợ cho các thầy, cô giáo. Trước mắt, với các gia đình bị thiệt hại sẽ đã được hỗ trợ từ 500 nghìn đồng đến 5 triệu đồng, tùy từng mức độ thiệt hại. Số tiền hỗ trợ này được các đoàn viên công đóng quyên góp ủng hộ.
Chúng tôi mong muốn nhận được sự chung tay, giúp sức của các cá nhân, tập thể, các cơ quan, doanh nghiệp đối với ngành Giáo dục Văn Chấn nói chung và các gia đình giáo viên bị thiên tai nói riêng, nhằm khắc phục khó khăn, từng bước lên trong cuộc sống để tiếp tục sự nghiệp “trồng người”.
Xin cảm ơn ông!