Các kỹ sư ở Học viện Công nghệ Georgia (Mỹ) đã thực hiện bước đi đầu tiên trong lĩnh vực này. Họ đã chế tạo loại vải mềm có thể sinh ra năng lượng theo hai cách nói trên. Hiện tại, họ đã thử nghiệm một mẫu vải có kích thước bằng tờ giấy A4, treo trên cửa ô tô đang chạy (mục đích là để ánh nắng chiếu vào nó và để nó rung động theo nhịp xe chạy).
“Vật liệu vải lai (hybrid material) là giải pháp hoàn toàn mới đối với vấn đề nạp điện cho các thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh cho đến hệ thống định vị GPS. Vật liệu này có thể sinh ra điện theo cách đon giản, chẳng hạn như lợi dụng gió trong ngày nắng”- Nhà khoa học Zhong Lin Wang, một trong những người sáng tạo công nghệ này, cho biết như vậy.
Nhóm nghiên cứu của Zhong Lin Wang đã luồn hai loại sợi polymer vào vải thường. Để lấy năng lượng ánh sáng, họ đã sử dụng các anot quang dưới dạng các sợi dài. “Lõi ở đây là polymer thông dụng, rất dễ sản xuất và thân thiện với môi trường – Wang cho biết – Các điện cực được thiết kế với chi phí thấp và cũng có thể được phát triển theo nhu cầu công nghiệp”.
Loại sợi thứ hai đảm đương nhiệm vụ của các máy phát điện nano. Các máy này biến đổi động năng (dao động, quay, uốn cong, chà xát) thành điện năng. Chính hiệu ứng này gây ra hiện tượng “nảy tia điện” giữa bàn tay và nắm đấm cửa bằng kim loại, khi chúng ta mặc áo len vào lúc trời hành khô.
“Vật liệu vải của chúng tôi rất nhẹ và mềm” – Wang cho biết. Các loại vải có chứa máy phát điện ma sát nano bên trong rất thích hợp để may áo sơ mi, làm đế giày, may ba lô hoặc quần áo bơi. Nếu được bổ sung thêm các điện cực quang hóa thì chúng còn có thể được dùng để làm buồm cho thuyền, làm lều du lịch… Các kỹ sư chỉ cần tìm cách bảo đảm cho những loại vải này không bị phá hủy bởi nước mưa hay cọ sát.