V-League không chỉ có… câu giờ!

GD&TĐ - Mới đây, lãnh đạo VFF “than thở” về chất lượng chuyên môn ở các trận đấu tại V-League 2024 - 2025 đang bị suy giảm vì cầu thủ câu giờ quá nhiều.

Trọng tài Lê Vũ Linh mất nhiều thời gian xem lại bằng công nghệ VAR nhưng chỉ rút thẻ vàng phạt Giáp Tuấn Dương. Ảnh: INT.
Trọng tài Lê Vũ Linh mất nhiều thời gian xem lại bằng công nghệ VAR nhưng chỉ rút thẻ vàng phạt Giáp Tuấn Dương. Ảnh: INT.

Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều nguy cơ, có tác động tiêu cực đến hình ảnh, giá trị của sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam.

Ám ảnh “bóng chết”

Câu giờ - cố tình làm chậm trễ để đạt được mục đích khác là chuyện tất yếu với bóng đá Việt Nam và thế giới. Vấn đề nằm ở chỗ cách ứng xử như thế nào để vừa bảo đảm chất lượng trận đấu cũng như duy trì sự hiện hữu của luật chơi trên sân.

Mới đây, ASEAN Football (Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á) công bố bảng xếp hạng giá trị các giải bóng đá vô địch quốc gia trong khu vực theo định giá của Transfermarkt. Theo đó, V-League của Việt Nam tăng 4,88 triệu euro so với năm 2023 lên 42,93 triệu euro, duy trì hạng tư trên bảng xếp hạng, đồng thời rút ngắn khoảng cách so với 2 giải đấu xếp trên là Malaysia Super League (53,34 triệu euro, giảm 1,9 triệu euro), và Liga I Indonesia (67,34 triệu euro, giảm 6,98 triệu euro). Tuy nhiên so với giải đấu số 1 Đông Nam Á là Thai-League I (75,48 triệu euro, tăng 1,18 triệu euro so với năm 2023), giá trị V-League chỉ bằng 56%. Điều này cho thấy khoảng cách không nhỏ giữa hai giải chuyên nghiệp số 1 Việt Nam và Thái Lan.

Với Liên đoàn Bóng đá Thế giới, một trong những cách được chú trọng và đem đến sự công bằng là khuyến khích các trọng tài nới rộng thời gian bù giờ mỗi hiệp đấu.

Theo thống kê, tại Vòng chung kết World Cup 2022, 64 trận đấu được bù giờ trung bình 11,25 phút/trận. Như vậy, các đội đá thêm khoảng 720 phút, tương đương 12 giờ đồng hồ, hoặc 8 trận đấu với thời gian chính thức là 90 phút/trận. Cá biệt, trận Anh và Iran (vòng bảng) hiệp 1 bù giờ 14 phút 8 giây và hiệp 2 là 13 phút 8 giây. Riêng thời gian bù giờ trận này khoảng 28 phút, gần bằng 2/3 thời gian một hiệp đấu.

Hay mới đây, ở trận đấu giữa Indonesia và Bahrain tại vòng loại 3 World Cup 2026 khu vực châu Á, trọng tài Ahmed Al - Kaf thông báo hiệp 2 trận đấu được bù giờ 6 phút. Tuy nhiên, quãng thời gian bù giờ thực tế kéo dài lên 8 phút. Indonesia đã bị thủng lưới ở những phút bù giờ cuối cùng và đánh rơi chiến thắng ngay trên sân Bahrain. Cổ động viên xứ Vạn đảo như “nổi điên”, tìm mọi cách tấn công trọng tài Ahmed Al - Kaf.

Nhưng thực tế trên sân thì ông Al - Kaf đã tuân thủ nghiêm túc luật chơi để thiết lập sự công bằng cho đến những phút cuối. Bởi các cầu thủ Indonesia có nhiều hành động câu giờ trong thời gian bù giờ, đồng thời trọng tài người Oman còn thêm giờ cho khoảng thời gian bóng chết, khi đội tuyển Bahrain dàn xếp đá phạt.

Trong khi đó, “câu giờ” và “bù giờ” đang trở thành vấn đề nổi cộm của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mùa giải 2024 - 2025.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2024, ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nêu quan điểm, việc nâng cao chất lượng trận đấu là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị giải đấu nói riêng cũng như bóng đá Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, sau 4 vòng đầu tiên của V-League năm nay, câu giờ là vấn đề nổi cộm. Theo ông Tú, các cầu thủ câu giờ quá nhiều, bóng lăn trên sân quá ít, làm giảm chất lượng trận đấu.

Thống kê 26/28 trận sau 4 vòng đấu của V-League 2024 - 2025 từ Ban tổ chức giải cho thấy, chỉ 5 trận đấu có bù giờ từ 10 phút trở lên, 21 trận còn lại được bù giờ cả 2 hiệp từ 9 phút trở xuống.

Đáng chú ý, 5 trận đấu được bù giờ trên 10 phút đều đến từ việc các trọng tài kiểm tra VAR quá lâu. Đơn cử như trận đấu giữa Bình Dương và Hải Phòng (vòng 2, ngày 21/9), trọng tài Nguyễn Văn Phúc đã mất gần 10 phút đồng hồ để kiểm tra VAR trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng trận đấu chỉ được bù giờ 11 phút.

Hay ở trận Đà Nẵng gặp HAGL (vòng 4, ngày 3/10), riêng thời gian trọng tài kiểm tra VAR tình huống ghi bàn của HAGL cũng mất gần 6 phút. Chưa kể nhiều tình huống gián đoạn khác xảy ra trong trận đấu, song trọng tài chỉ cho trận đấu bù giờ tổng cộng 10 phút.

Như vậy, có thể thấy, số phút bù giờ ở các trận đấu mùa này chỉ xấp xỉ với khoảng thời gian các trọng tài check VAR. Trong khi những tình huống nằm sân, câu giờ, phạm lỗi hay cố tình làm gián đoạn trận đấu xảy ra thường xuyên không được bù giờ đáng kể. Điều đó đã tạo ra sự bất công trong cuộc chơi, tâm lý ức chế của “bên thua cuộc”.

Hình ảnh cầu thủ của đội bóng chịu bất lợi vào cuối trận đuổi theo trọng tài, chỉ tay vào chỗ đeo đồng hồ với ám chỉ cần cộng thêm giờ cho thời gian “bóng chết” được lặp đi, lặp lại.

khong-chi-co-cau-gio-2.jpg
Trận câu lạc bộ Hà Nội gặp Hà Tĩnh, thuộc vòng 6 V-League 2024-2025. Ảnh: VPF.

Cuộc chơi còn lắm ưu tư

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Anh Tú, những năm qua, Ban tổ chức giải và các câu lạc bộ đã có nhiều thay đổi tích cực, nâng cao về hình ảnh, truyền thông và cải thiện chất lượng giải đấu. Thế nhưng, vấn đề về công tác tổ chức, trọng tài và các pha bóng bạo lực vẫn xuất hiện làm ảnh hưởng đến hình ảnh V-League.

Đơn cử như trận đấu giữa Công an Hà Nội và Bình Dương tại vòng 3 V-League năm nay, cầu thủ Giáp Tuấn Dương có tình huống nhảy lên và dẫm 2 chân vào vùng mắt cá của ngoại binh Alisherovich. Trọng tài chính Lê Vũ Linh đã mất khá nhiều thời gian để tham khảo VAR, nhưng ông chỉ rút thẻ vàng cho Tuấn Dương. Sau đó, Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ra án phạt bổ sung, cấm cầu thủ Công an Hà Nội thi đấu 2 trận kế tiếp và nộp phạt 15 triệu đồng. Trọng tài Linh bị “treo còi” 1 trận.

Cũng tại vòng đấu thứ 3, đã xảy ra nhiều tình huống vào bóng nguy hiểm, thậm chí có thể coi mang tính triệt hạ đối thủ. Trên sân Mỹ Đình, Cao Văn Triền (Bình Định) vào bóng bằng gầm giày với Nguyễn Đức Chiến (Thể Công Viettel). Trong khi đó, Nguyễn Thanh Khôi (CLB TPHCM) cũng thực hiện hành động tương tự ở pha tranh chấp cùng Nguyễn Văn Trường (Hà Nội FC).

Số lượng thẻ vàng, thẻ đỏ ở những vòng đấu đầu tiên mùa này hơn hẳn so với mùa giải trước. Nhiều trận đấu chứng kiến cơn mưa thẻ phạt chứ không phải là những pha bóng hay, chất lượng chuyên môn như sự kỳ vọng. Rõ ràng, bạo lực sân cỏ vốn đã bị lên án nhiều năm qua vẫn đang còn đất sống, có cơ hội phát triển mạnh.

Quay trở lại VAR, khi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bước vào thời kỳ chuyển đổi số, một số vòng đấu công nghệ này phủ sóng đủ 7 sân, song những tiếng than thở về nó vẫn còn quá nhiều. Trong phòng họp báo sau trận Hải Phòng và Bình Dương, huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm của đội bóng đất Cảng đã phải thốt lên: “Chưa có giải nào kiểm tra VAR lâu như V-League”.

Được biết trên sân Lạch Tray, trọng tài chính Nguyễn Văn Phúc và tổ điều hành phòng VAR đã mất đến 10 phút để xem lại các tình huống quay chậm. Vậy nên, vấn đề ở đây không chỉ là thời gian bù giờ cho trận đấu bao nhiêu là đủ, mà còn là việc trận đấu bị ngắt quãng, “cắt vụn” quá dài để trọng tài xem lại các tình huống gây tranh cãi. Điều đó ảnh hưởng đến cảm xúc của khán giả chứng kiến trận đấu, giảm độ nóng, sự hưng phấn của cầu thủ. Tất cả như cỗ máy đang chạy phải dừng lại chờ trọng tài xem VAR.

Bên cạnh đó, ngay cả khi mất nhiều thời gian cho VAR, nhiều trọng tài cũng không thể đưa ra quyết định chính xác, phù hợp với tình huống trên sân.

Đơn cử như vụ cầu thủ Giáp Tuấn Dương. Trọng tài Lê Vũ Linh được hỗ trợ tốt nhất có thể về công nghệ để xác định mức độ phạm lỗi nhưng ông vua áo đen chỉ rút ra thẻ vàng thay vì thẻ đỏ. Như vậy, quyết định cuối cùng đúng hay sai còn phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ cầm cân nảy mực, hay nói như cư dân mạng là “VAR chạy bằng cơm”.

Nếu ông Linh rút thẻ đỏ đuổi cầu thủ phạm lỗi thô bạo của Công an Hà Nội ngay trên sân, kết quả trận đấu có thể đã khác, bởi Bình Dương trong khả năng này có được lợi thế chơi hơn người.

Ông Đoàn Phú Tấn – cựu giảng viên trọng tài còn đặt ra câu hỏi về quy trình phối hợp về công nghệ video. “Việc điều hành VAR mùa này chưa có cải thiện. Nếu cần xem lại tình huống, thì trọng tài phải xem chứ, sao lại dừng bao nhiêu thời gian, trao đổi “ngầm”, rồi … thôi???”, ông Tấn đặt vấn đề.

Thậm chí, xác định cầu thủ việt vị hay không ở tình huống cố định, trọng tài cũng mất đến 5 phút cho VAR. Vấn đề đặt ra, sợ trách nhiệm hay chuyên môn kém? Với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ông Trần Anh Tú nêu quan điểm: “Rất nhiều tình huống đáng lẽ thẻ đỏ, trọng tài kể cả có kiểm tra VAR không rút thẻ. Ban tổ chức giải cần họp với trọng tài, quán triệt phải bù giờ cho đủ, triệt tiêu việc cầu thủ giả vờ chấn thương, triệt tiêu bạo lực”.

V-League 2024 - 2025 vẫn đang ở giai đoạn đầu mùa. Những thứ được “vạch mặt chỉ tên” chưa thực sự ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu, thành tích hay số phận của đội bóng nào, đồng thời chưa cầu thủ nào phải nhập viện, nghỉ thi đấu dài hạn sau những pha bóng bạo lực. Tuy nhiên, những đốm lửa nhỏ này nếu không được dập tắt sẽ bùng phát mạnh mẽ vào cuối mùa, thời điểm quyết định của mùa giải. Đấy mới là những nguy cơ lớn, kéo theo nhiều hệ lụy đe dọa hình ảnh, giá trị của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Nói như ông Trần Anh Tú, phải làm sao để khán giả phải quan tâm đến V-League hơn nữa. Khi kết thúc giải đấu, mọi người cảm thấy “đói” và trống vắng.

Theo Transfermarkt (trang chuyên về chuyển nhượng, lịch thi đấu…), trong top 10 câu lạc bộ giá trị chuyển nhượng cao nhất Đông Nam Á, Buriram United (Thái Lan) dẫn đầu khi có giá trị ước tính 12,03 triệu euro.

Ngoài câu lạc bộ này, bóng đá Thái Lan còn đóng góp ba đại diện khác lần lượt là BG Pathum United (9,5 triệu euro), Port FC (7,15 triệu euro) và Bangkok United (7,03 triệu euro).

Đội bóng có giá trị chuyển nhượng cao thứ hai tại Đông Nam Á là Johor Darul Tazim (Malaysia) với giá trị ước tính 10,83 triệu euro. Bóng đá Việt Nam có ba cái tên nằm trong top 10 là Nam Định (5,81 triệu euro), Hà Nội FC (5,6 triệu euro) và Công an Hà Nội (5,28 triệu euro).

Đáng chú ý là dù giá trị chuyển nhượng của đội tuyển Indonesia rất cao nhưng giải vô địch quốc gia Indonesia lại không có đại diện nào trong top 10. Điều này được lý giải là do đội bóng xứ Vạn đảo có nhiều cầu thủ nhập tịch đang thi đấu tại nước ngoài nên có giá trị chuyển nhượng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ