(GD&TĐ)-Chương trình đào tạo nhân lực phục vụ Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) được coi là một trong những nội dung quan trọng của Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2010-2015.
Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Vũng Áng |
Vừa qua, một số trường ĐH, CĐ, THCN và Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực đã ký kết hợp đồng và biên bản ghi nhớ đào tạo nhân lực cho Khu kinh tế này.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực rất lớn cho Khu kinh tế Vũng Áng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các trường ĐH có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ trường ĐH Hà tĩnh thực hiện đào tạo nhân lực trình độ cao cho các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Vũng Áng và tỉnh Hà Tĩnh, theo hướng dành ưu tiên chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành nghề phù hợp với nhu cầu nhân lực của Khu Kinh tế Vũng Áng; đồng thời, ưu tiên tuyển sinh con em người Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận để đào tạo nhân lực cho khu kinh tế này, gắn với việc cam kết của tỉnh và các doanh nghiệp về điều kiện ở và làm việc.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý cho phép vận dụng tối đa các chính sách đã có về đào tạo nhân lực và xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp để áp dụng trong công tác đào tạo nhân lực và xây dựng nhà ở cho công nhân ở Khu kinh tế Vũng Áng.
Phó Thủ tướng giao cho Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp về đào tạo nhân lực trình độ cao, đào tạo nghề, xây dựng nhà ở cho người lao động... trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét việc nâng cấp một số trường của tỉnh Hà Tĩnh, hỗ trợ và tạo điều kiện cho trường ĐH Hà Tĩnh phát triển đáp ứng yêu cầu; phối hợp với UBND tỉnh tổ chức rà soát, thống nhất các cơ sở đào tạo trên địa bàn cần được nâng cấp và đầu tư để làm căn cứ kịp đưa vào kế hoạch hàng năm.
Đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và đầu tự, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng tham gia vào tổ đào tạo nguồn nhân lực do lãnh đạo Bộ GD&ĐT làm tổ trưởng, cùng với tổ quy hoạch đô thị và xây dựng nhà ở cho công nhân có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về nhu cầu nhân lực, kế hoạch tuyển dụng, chế độ chính sách đối với người lao động để tuyển dụng và đặt hàng đào tạo nhân lực cho Khu kinh tế Vũng Áng, bảo đảm tất cả sinh viên người Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận đang học ở các cơ sở đào tạo trong cả nước tiếp cận thông tin trên của các doanh nghiệp trong khu Kinh tế Vũng Áng.
Đến hết tháng 12/2010, tất cả các doanh nghiệp trong khu kinh tế này cần cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về nhu cầu nhân lục, kế hoạch tuyển dụng, các chế độ chính sách đối với người lao động để tuyển dụng, đặt hàng đào tạo...
Được biết, Khu kinh tế Vũng Áng được quyết định thành lập năm 2006 với tổng diện tích quy hoạch là 22.781 ha bao gồm 9 xã nằm ở phía Nam huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Đến nay đã có 93 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký hơn 15 tỷ USD, trong đó có một số dự án lớn, trọng điểm quốc gia như: Nhà máy liên hợp gang thép; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, Vũng Áng II; các khu đô thị, du lịch, dịch vụ, thương mại... Trong tương lai, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ là một thành phố công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ năng động và hiệu quả, có tầm cỡ khu vực và quốc tế với các hoạt động chính là: dịch vụ cảng biển nước sâu, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, phát triển văn hóa và xã hội bền vững với môi trường sinh thái, có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư, du khách và người dân.N hu cầu nhân lực đáp ứng cho khu kinh tế này trong những năm tới là rất lớn, dự kiến khoảng 35.000 lao động với nhiều trình độ, nghề nghiệp. |
Hiếu Nguyễn