Đến khi thi vào lớp 10 năm học 1978 - 1979, tôi đã chọn ban D (Hóa - Sinh), nhưng tôi lại được xếp vào lớp Toán 10C4 Trường PTTH Trương Công Định (thị xã Gò Công Đông, Tiền Giang). Ước mơ của tôi sẽ không thay đổi nếu như không xảy ra một sự cố bất ngờ…
Đó là vào ngày 23/12 âm lịch, tôi về nhà ăn Tết ở vùng kinh tế mới Bàu Cạn (Long Thành, Đồng Nai). Chẳng biết sao. tôi cứ ngủ vùi. Chỉ khi mẹ gọi, tôi mới ngồi dậy nhưng mắt nhắm nghiền, chìm sâu vào giấc mộng.
Nếu không có bà Hai hàng xóm sang chơi và bảo chị tôi bắt gió hai bên bả vai, chắc tôi sẽ ngủ đến chết mất bởi bà Hai nói tôi bị trúng cơn gió ngủ, có người chết vì cơn gió lạ này. Vừa thoát cơn ngủ say, tôi lại bị sốt rét rừng hành hạ… Một cái Tết thật bất hạnh vô cùng.
Tôi đành nghỉ học, cũng không dám gọi mẹ vì nếu mẹ biết sẽ không cho tôi ở đây đi học nữa. Có bữa đang lên cơn cữ, tôi không sao chịu được cái rét run người đó.
Hai hàm răng va vào nhau lộp cộp. Tôi gọi đứa cháu gái đến thều thào: Bé Hiền, con nói ba con mua thuốc cho cô đi! Con bé chạy ra nhà sau… rồi chạy vào ngây thơ nói lại điều của ba nó: Ba nói không có tiền, hết lạnh thì khỏi thôi…
Nước mắt tôi giàn giụa. Môi cắn chặt để không bật thành tiếng khóc, những giọt máu nhỏ tứa ra hòa vào nước mắt nghe mằn mặn. Tôi không giận anh vì anh cũng nghèo lại phải cưu mang thêm tôi.
Nên tôi từng khóc, khóc thật nhiều về sự cô đơn của mình. Cơn lạnh đi qua, tôi lại chìm vào cái đau đầu dữ dội. Cố ngồi lên thì căn nhà quay cuồng như sắp sụp dưới chân tôi. Tôi nhớ lớp, nhớ bạn bè da diết…
Và rồi tương lai của tôi thay đổi kể từ khi cô Nhứt Liễu - Cô chủ nhiệm lớp 10C4 của tôi, cùng bạn bè tới thăm. Cô nhìn quanh căn nhà trống trải, vắng tanh, nhìn nơi tôi đang nằm.
Một cái chõng tre đặt đằng sau cánh cửa ra vào, một chiếc gối, một tấm chăn mỏng, một cái mùng đơn. Bên dưới giường là chồng sách vở. Đôi mắt cô đỏ hoe. Bờ môi run run không nói gọn lời: “Giang sơn của em đây sao? Cô cứ ngỡ…”.
Tôi mỉm cười gượng gạo, che giấu cái mặc cảm của mình. Cô sẽ sàng ngồi xuống cạnh tôi. Tiếng cót két của chõng tre làm cô lúng túng…
Nhẹ nhàng, cô vén mớ tóc lòa xòa che nửa khuôn mặt nhợt nhạt của đứa học trò bé bỏng, ân cần hỏi han đủ điều. Cô xếp lại chiếc chăn, nắm lấy hai bàn tay tôi kéo ngồi dậy: Em đừng nằm nữa, hãy cố gắng vận động để mau bình phục, em còn đi học nữa chứ. Lớp cũng nhớ em lắm đó.
Rồi cô đặt vào tay tôi một phong bì với rất nhiều tình cảm của cô và lớp. Nước mắt tôi vỡ òa. Có lẽ nước mắt là cách thể hiện cảm xúc và thay cho lời muốn nói là tế nhị nhất thì phải.
Cô mỉm cười lau nước mắt trẻ con ấy cho tôi. Trước lúc ra về, cô còn tự tay soạn vở của tôi đưa cho các bạn chép bài hộ. Cô cũng không quên nhắc tôi ngày mai đi khám bệnh ở Trung tâm Phòng chống sốt rét.
Mọi người đã ra tới sân, duy có anh K. còn đứng nán lại trao cho tôi ba viên thuốc màu nâu nói nhanh: “Mỗi ngày uống một viên thôi nha, uống nhiều là “chít” đấy” rồi vội vàng chạy theo cô và các bạn.
Thuốc thật đắng nhưng tình cảm của mọi người lại ngọt ngào, nó đã vực tôi dậy để thêm yêu cuộc sống, lại tiếp tục đi học và nuôi dưỡng ước mơ hồng.
Một tuần sau, tôi trở lại lớp trong nụ cười thân thiện của các bạn. Tôi thấy hạnh phúc quá đỗi. Ngoài những cử chỉ ân cần của cô, bạn bè, tôi còn nhận được những món quà vô giá từ phía nhà trường: Tôi được miễn học phí, hằng tháng còn được nhận 13 kg gạo. Những hạt gạo bé nhỏ mà chở nặng mối ân tình mà tôi không sao trả được.
Tất cả những gì tôi có được trong năm đó là do cô chủ nhiệm mang lại. Tôi thấy yêu nghề giáo của cô. Tôi yêu mái trường, yêu lớp học, yêu trẻ thơ…
Tôi quyết định thay đổi ước mơ của mình: Tôi sẽ làm nghề giáo. Ước mơ đó thành hiện thực, tôi tốt nghiệp Sư phạm cấp 2 năm 1981 - 1983.
Suốt 31 năm làm giáo viên (27 năm đứng lớp và 4 năm làm thư viện) tôi đã sống hết tình với nghề gõ đầu trẻ, yêu thương, dạy dỗ, giúp đỡ các em học sinh như cô đã dành cho tôi ngày ấy.
Giờ đây tôi đã 54 tuổi, sắp về hưu, cứ mỗi lần đến trường tôi như lại thấy cô, thấy bạn bè. Tôi càng cố gắng sống trọn vẹn nghĩa tình mà mọi người đã trao cho tôi.
Tôi muốn nói: “Cô ơi, trường ơi, bạn bè ơi, em yêu người nhiều lắm… Người chính là ngọn đuốc đã thắp lên trong em niềm tin cho đến bây giờ. Cô ơi, mái trường Trương Định ơi!”.