Phát biểu tại Chương trình, bà Nguyễn Thị Bích Hợp – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Gần 1,6 triệu cán bộ nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) trong ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29, trong đó có nhiều chủ trương, nhiệm vụ, yêu cầu mới đặt ra đối với đội ngũ nhà giáo.
Thực tế cho thấy, đội ngũ giáo viên đang chịu nhiều áp lực trong công việc và trong cuộc sống; nhiều áp lực xuất phát từ xã hội.
Cũng có những áp lực đến từ yêu cầu của công việc, của nhà trường, đặc biệt có những áp lực xuất phát từ đòi hỏi của phụ huynh và học sinh…
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp, thời gian qua, một số sự việc đáng tiếc xảy ra trong nhà trường có liên quan đến ứng xử, hành xử thiếu văn hóa, thậm chí có những hành vi bạo lực, bạo hành của giáo viên đối với học sinh.
Hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là: Giáo viên bị rơi vào trạng thái căng thẳng trong thời gian dài mà không biết cách giải tỏa, có giáo viên do thiếu kỹ năng ứng xử, không kiềm chế được cảm xúc; không được phát hiện, hỗ trợ và tư vấn kịp thời…
Nhằm chăm lo đời sống tinh thần, nâng cao sức khỏe tinh thần cho đội ngũ nhà giáo; Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc tư vấn hỗ trợ giải tỏa căng thẳng tâm lý cho giáo viên”.
Đề án nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe cho giáo viên, cung cấp kiến thức cơ bản và hỗ trợ cho giáo viên các biện pháp nhận diện, ứng phó, tự xử lý khi có căng thẳng tâm lý xảy ra.
Qua đó giúp giáo viên quản lý cảm xúc, giảm thiểu các hành vi tiêu cực trong các nhà trường. Mặt khác, giúp giáo viên luôn có sức khỏe và tinh thần lạc quan, để cống hiến với sự nghiệp GD-ĐT.
Bà Hợp cho biết: Đề án được triển khai trong thời gian 2 năm (2020 – 2021) với 4 mục tiêu:
Thứ nhất, Khảo sát, đánh giá thực trạng phân loại mức độ căng thẳng tâm lý của giáo viên, từ đó xây dựng một số giải pháp giúp giải tỏa căng thẳng;
Thứ hai, ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin để hỗ trợ, tư vấn trực tuyến cho giáo viên;
Thứ ba, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ công đoàn trong việc tư vấn, hỗ trợ tư vấn căng thẳng tâm lý cho giáo viên.
Thứ tư, kết quả của Đề án sẽ được áp dụng cho giáo viên trong toàn ngành Giáo dục.
Nhân dịp này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác với một số công ty nhằm thực hiện các hoạt động thiết thực chăm lo cho CBGNLĐ, nhân Tháng Công nhân và an toàn vệ sinh lao động năm 2020.