Gần bốn tháng rưỡi trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, hai ứng cử viên của hai đảng phái chính trị lớn nhất là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden (đảng Dân chủ) và cựu Tổng thống Donald Trump (đảng Cộng hòa) tiến hành cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, sớm hơn rất nhiều so với thông lệ.
Sự kiện này được cả trong lẫn ngoài nước Mỹ theo dõi sâu rộng vì hai người này sàn sàn như nhau trong kết quả các cuộc thăm dò dư luận và vẫn còn có khoảng 20% cử tri Mỹ chưa quyết định dứt khoát sẽ bỏ phiếu bầu ai.
Cuộc tranh luận là cơ hội vận động tranh cử tuyệt vời để hai ứng cử viên củng cố bộ phận cử tri vốn trung thành với họ và đặc biệt là để chinh phục phiếu bầu của 20% cử tri kia.
Sau 90 phút tranh luận dưới sự chủ trì của hãng CNN, cảm nhận chung của thiên hạ là cả hai người đều đã không tận dụng tốt cơ hội này. Sự thể hiện của ông Biden bị coi là thảm họa khi giọng nói không rõ ràng, trình bày ý tứ không cụ thể và biểu hiện có vấn đề sức khỏe.
Ông Trump ăn nói rành mạch hơn, thể hiện được rõ ràng muốn nói gì nhưng lại sử dụng gần như toàn những điều không đúng với sự thật. Đánh giá chung của thiên hạ là người này nói dối và biết là nói dối nhưng không hề ngần ngại.
Cả hai đều tập trung vào việc công kích lẫn nhau chứ không coi trọng việc truyền tải tới cử tri Mỹ tầm nhìn và ý tưởng cầm quyền lớn lao trong thời gian tới để kiến tạo tương lai cho nước Mỹ.
Họ đã không tận dụng cơ hội này để trực tiếp hướng tới cử tri ở Mỹ, dùng việc trả lời câu hỏi của CNN và đáp trả đối thủ chính trị để thuyết phục và chinh phục, làm cho cử tri phân định rõ ứng cử viên nào xứng đáng và có đủ năng lực thực tế làm người lãnh đạo nước Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống tới.
Cử tri Mỹ tin tưởng ông Biden hơn ông Trump về nội dung chính sách cầm quyền nhưng lại quá quan ngại về tình hình sức khỏe và tuổi tác của ông Biden.
Cử tri Mỹ thấy ông Trump tuy cũng đã cao tuổi mà vẫn khỏe mạnh hơn ông Biden nhưng lại quá sa đà vào việc bất chấp sự thật, chủ ý dối trá trong sử dụng lập luận, cáo buộc và dữ liệu.
Đối với diện 20% cử tri nói trên, cả hai ứng cử viên này sau cuộc đấu khẩu tay đôi vừa qua đều chưa chinh phục được phiếu bầu và đều khiến cho họ thêm khó xử. Ông Trump được nhìn nhận chung là đã thắng ông Biden trong cuộc tranh luận này nhưng chiến thắng ấy về thực chất không giúp ích được gì nhiều cho ông.
Ông Biden thể hiện yếu sức đến mức phe đảng Dân chủ ngay lập tức dậy lên làn sóng ý kiến muốn thay ông Biden bằng ứng cử viên tổng thống khác.
Cuộc tranh luận vừa rồi giữa ông Biden và ông Trump phơi bày những điểm yếu của hai người này và gây bất lợi nhiều hơn là xác thực những điểm mạnh có thể làm lợi cho họ trong công cuộc tranh thủ cử tri Mỹ. Họ có cơ hội nữa và sẽ là cơ hội cuối cùng để xoay chuyển tình thế trong cuộc tranh luận thứ hai diễn ra vào đầu tháng 9 tới.
Câu hỏi lớn nhất cho thời gian tới sẽ là ông Biden có bỏ cuộc hay không. Nếu ông Biden không bỏ cuộc thì câu hỏi quyết định sẽ là ai trong số hai người này tự thay đổi và điều chỉnh cơ bản và nhiều hơn ai. Nếu cuộc tranh luận tới vẫn tẻ nhạt về nội dung như cuộc vừa rồi thì cử tri Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa khía cạnh sức khỏe và tính cách cá nhân.