Ngày 6/12, tại Hà Nội, lễ tổng kết dự án “Lao động: Không phải việc của trẻ em” đã công bố những kết quả và thành tựu đạt được khi thực hiện ở 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức cứu trợ trẻ em đã đồng hành, phối hợp với các cơ quan, đối tác ở trung ương, địa phương của TP.HCM và tỉnh Đồng Tháp thực hiện dự án từ năm 2019 - 2024, nhằm hợp tác để tăng cường hành động phòng chống lao động trẻ em.
Phát biểu khai mạc, bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng lao động trẻ em gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và an sinh của trẻ. Bà cho biết, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), UNICEF, Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hà Lan và các đối tác hỗ trợ, dự án đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Silvia đánh giá cao sự hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai các chương trình nâng cao nhận thức tại trường học. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục mà còn nhận thức sâu sắc hơn về những hệ lụy lâu dài mà lao động trẻ em có thể gây ra cho tương lai của các em.
Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, ông Kees van Baar cũng bày tỏ, không thể loại bỏ lao động trẻ em nếu không có sự tham gia của các bên tư nhân. “Để chuẩn bị cho một dự án như thế này, sự nỗ lực hợp tác giữa các bên liên quan là rất cần thiết”, đại sứ nhận định. Về phía mình, ông cho biết sẽ luôn cố gắng hết sức có thể để loại bỏ lao động trẻ em.
Báo cáo, tham luận tại lễ tổng kết, các đại biểu đã nêu lên những kết quả tích cực mà dự án mang lại, đồng thời chỉ ra một số thách thức còn tồn tại cần được khắc phục.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, qua ba đợt khảo sát, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam liên tục giảm (thấp hơn 4,2% so với toàn cầu), số trẻ em tham gia làm kinh tế, tham gia lao động và tiếp cận với giáo dục đã tăng lên. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, việc trẻ em làm việc trái pháp luật và gia tăng trở lại của lao động trẻ em vẫn là một nguy cơ cần được chú ý.
Để duy trì bền vững các kết quả, cần tăng cường phối hợp giữa tổ chức quốc tế, chính phủ và cộng đồng địa phương, đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức và xây dựng chính sách dài hạn nhằm giảm thiểu lao động trẻ em, hướng tới một xã hội an toàn, công bằng hơn cho con trẻ.
Thông tin từ lễ tổng kết, hiện vẫn còn 160 triệu trẻ em trên thế giới tham gia lao động trẻ em, với một nửa trong số đó phải làm các công việc độc hại và nguy hiểm. Những rủi ro đối với sức khỏe, an toàn và sự phát triển của trẻ là lời nhắc nhở về khoảng cách lớn để đạt mục tiêu phát triển bền vững 8.7, đòi hỏi nhiều sự nỗ lực, chung tay để giải quyết vấn đề này.