Tuyển sinh lớp 6 bằng khảo sát năng lực: Nhiều lựa chọn, giảm áp lực

GD&TĐ - Việc mở rộng tuyển sinh vào lớp 6 bằng khảo sát năng lực đã giúp giảm áp lực tuyển sinh tại các trường “hot”.

Giờ học thể dục của học sinh lớp 7, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Thủ Đức). Ảnh: MA
Giờ học thể dục của học sinh lớp 7, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Thủ Đức). Ảnh: MA

Việc mở rộng tuyển sinh đồng thời tạo thêm cơ hội cho học sinh được học tập trong môi trường lớp phù hợp năng lực và điều kiện gia đình.

Thêm cơ hội học trường “hot”

Thông thường, học sinh TPHCM sau khi hoàn thành cấp tiểu học sẽ nộp hồ sơ, bảng điểm vào các trường THCS trên địa bàn có nhu cầu để xét tuyển. Đặc biệt, năm học 2024 - 2025, việc tuyển sinh của phần lớn học sinh lớp 6 ở TPHCM dễ dàng, thuận lợi hơn do các trường phối hợp với chính quyền địa phương xét tuyển theo hình thức nơi ở hiện tại. Nghĩa là học sinh được ưu tiên học tại trường THCS gần nơi ở hiện tại nhất. Việc xét tuyển theo hình thức này được cho là hợp lý, công bằng. Năm nay, TPHCM có 6 trường THCS tổ chức tuyển đầu cấp bằng hình thức khảo sát năng lực thu hút hàng nghìn học sinh đăng ký tham gia với mong muốn được học tập tại ngôi trường “hot” trên địa bàn.

Cụ thể, giữa tháng 6 hơn 4.500 học sinh tham gia khảo sát năng lực vào lớp 6 các trường THCS “hot” trên địa bàn TPHCM. Trong đó, 3 trường tại TP Thủ Đức là THCS Trần Quốc Toản 1, THCS Bình Thọ, THCS Hoa Lư và Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ tại Quận 7. Ngày 25/6, Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn) và ngày 4/7, Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa (Quận 1) tổ chức khảo sát năng lực để tuyển sinh học sinh lớp 6. Điểm chung của các trường trên là số lượng học sinh đăng ký hàng năm vào lớp 6 cao gấp nhiều lần khả năng tiếp nhận nên các địa phương tổ chức khảo sát năng lực để lựa chọn. Việc tổ chức khảo sát của các trường này được áp dụng theo Thông tư 05/2018 của Bộ GD&ĐT.

Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, kỳ thi khảo sát năng lực vào lớp 6 tại 3 trường THCS trên địa bàn nhằm đánh giá năng lực, đảm bảo chọn học sinh phù hợp theo học các trường THCS đang thực hiện mô hình trường chất lượng cao, tiên tiến hội nhập quốc tế.

“Đề thi khảo sát năm nay đòi hỏi học sinh phải có năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng và năng lực suy luận. Đây là những năng lực được bồi đắp, rèn luyện qua quá trình học tập, chứ không chỉ cần ‘luyện thi’ một sớm một chiều. Năm nay có gần 2.900 học sinh đăng ký vào học 3 trường nêu trên trong khi tổng chỉ tiêu chỉ có 980 suất (tương đương tỉ lệ chọi là 1/3). Vì vậy, các trường đã tổ chức tuyển sinh bằng bài thi khảo sát năng lực để chọn lựa học sinh tốt nhất, bên cạnh một số tiêu chí khác như học bạ, các loại chứng chỉ tiếng Anh, tin học quốc tế, thành tích nổi trội khác...”, ông Nguyên cho hay.

Theo một lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, việc mở rộng tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức khảo sát năng lực học sinh nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh của các trường theo mô hình tiên tiến, hiện đại, đồng thời tạo thêm cơ hội cho học sinh đăng ký vào các loại hình trường lớp phù hợp năng lực và điều kiện gia đình của các em. Cách trao quyền tổ chức kỳ thi, chủ động điều chỉnh độ khó của đề khảo sát cho địa phương giúp việc khảo sát đáp ứng tốt hơn mục tiêu tuyển sinh, giảm căng thẳng cuộc đua tuyển sinh vào các trường “hot”.

khao sat lop 6 tai TPHCM (3).jpg
Thí sinh tham gia khảo sát vào lớp 6 tại TP Thủ Đức. Ảnh: MA.

Không gây áp lực

Với thí sinh thi tuyển sinh bằng bài thi khảo sát năng lực để cạnh tranh suất vào lớp 6 TPHCM, nếu không đỗ vẫn có cơ hội theo học tại các trường THCS theo quy chế tuyển sinh chung, bởi hệ thống đăng ký thi tuyển và theo học độc lập.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên khẳng định: “Với các bậc phụ huynh, dù học sinh có trúng tuyển vào lớp 6 bằng kỳ thi khảo sát đánh giá năng lực hay không thì cũng có 1 trường THCS được phân tuyến. Vì thế, phụ huynh cứ yên tâm đủ chỗ học cho tất cả học sinh vào lớp 6. Việc khảo sát năng lực vào lớp 6 TPHCM vừa qua được tổ chức nhẹ nhàng. Học sinh đảm bảo các kiến thức đã học ở cấp tiểu học, cộng với kiến thức tiếng Anh của các em là đủ”.

Theo ghi nhận, trong đợt khảo sát mà TP Thủ Đức vừa tổ chức, hầu hết phụ huynh và học sinh mang tâm thế thoải mái, tự tin, không nhiều áp lực. Chị Nguyễn Lan Hương, có con thi khảo sát vào Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức) cho biết, từ khi con gái học lớp 5 mới làm quen với cách thi khảo sát vào trường. “Tôi không đặt nặng, tạo áp lực con phải đậu vào các trường này, nhưng cũng động viên bởi đây là thử thách đầu khi con bước sang cấp học mới, mong con bước vào kỳ thi thoải mái tinh thần”, chị Hương nói.

Tương tự, kết thúc năm học 2023 - 2024, chị Phan Nga (một phụ huynh ở TP Thủ Đức) đăng ký cho con trai tham gia khảo sát vào Trường THCS Bình Thọ và Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa. Sở dĩ chị đăng ký cho con tham gia khảo sát tại 2 trường trên vì mong muốn con thử sức, biết rõ năng lực học tập của bản thân, từ đó xác định phương hướng học tập đúng đắn trong những năm THCS.

“Quá trình học và chơi cùng con, thấy cháu có năng lực về ngoại ngữ và ham thích tìm hiểu, học hỏi kiến thức khoa học, lịch sử, địa lý... nên gia đình mới có quyết định cho cháu tham dự khảo sát. Tôi không muốn con quá áp lực, vì thế động viên con trai làm hết sức mình, không quá lo lắng về chuyện đỗ - trượt nên cháu rất thoải mái về tâm lý. Thực tế tâm lý gia đình cũng khá nhẹ nhàng vì cháu cũng có chỗ học theo phân tuyến vào trường công lập khác nếu không vượt qua kỳ khảo sát”, chị Nga chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: “Việc tổ chức khảo sát năng lực để tuyển sinh vào lớp 6, vai trò của Sở GD&ĐT TPHCM cũng như các phòng GD&ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức rất quan trọng. Trong đó phải nghiên cứu để tìm ra cách tuyển sinh phù hợp với từng trường, địa bàn để không gây áp lực cho học sinh và gia đình. Tất nhiên, nếu vào đúng trường phù hợp với năng lực, sở trường và sự hỗ trợ của phụ huynh thì các em sẽ có động lực học tập hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khối ngành khoa học xã hội và nhân văn Đại học Duy Tân