Lời khuyên chuyên gia
Nguyễn Mai An - thí sinh tại Hà Nội đợi đến ngày cuối cùng mới đến trường, dùng phiếu điều chỉnh nguyện vọng để thay đổi cả 4 nguyện vọng, từ các chuyên ngành của Học viện Báo chí và Tuyên truyền sang ngành Kinh tế “hot” của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Trường ĐH KHXH&NV. Mai An chia sẻ, trước khi bước vào Kỳ thi THPTQG, em và các bạn đăng ký các trường top giữa – lựa chọn an toàn. Nhưng sau khi có kết quả thi, điểm của em có khả năng đỗ vào trường cao hơn. Sau thời gian tìm hiểu, nghe ngóng, Mai An quyết định đổi nguyện vọng vào phút chót.
Còn thí sinh Lê Linh Chi có điểm thi THPTQG không được cao lắm. Sau một thời gian từ khi biết điểm thi, Chi và gia đình đã lên mạng để lắng nghe tư vấn từ các nhà trường, tham khảo điểm trúng tuyển từ năm trước và dự báo điểm chuẩn năm nay, quyết định dành thời gian của ngày 30/7 để đăng ký thêm nguyện vọng xét tuyển, hy vọng có thêm cơ hội vào giảng đường ĐH.
Nắm bắt tâm lý lo lắng của thí sinh, các trường ĐH đã tổ chức nhiều cuộc tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên với thí sinh, giúp các em có lựa chọn đúng đắn và cũng cung cấp thông tin về tình hình tuyển sinh của nhà trường tới thí sinh. Như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thầy Hiệu trưởng PGS.TS Đỗ Văn Dũng thường xuyên đăng đàn Facebook “Tư vấn xuyên đêm” với thí sinh. Lời khuyên của PGS Đỗ Văn Dũng tới các thí sinh trong thời điểm “hạn chót” điều chỉnh nguyện vọng là: Hãy đăng ký thêm nguyện vọng!
Vị chuyên gia phân tích: Tuyển sinh hiện nay theo thuật toán “lọt sàng xuống nia”, nên hứng nhiều “sàng”, nhiều “nia”; khả năng cao “sàng”, “nia” sẽ hứng được gì đó! Khi đăng ký, tất cả các nguyện vọng đều có trọng số, bình đẳng như nhau. Khi tuyển sinh, điểm chuẩn sẽ dao động nhiều. Các trường sẽ điều chỉnh điểm đến 17 giờ ngày 8/8 là “gút”. Muốn để đậu được vào trường, cần đăng ký thêm nguyện vọng, thí sinh nào điểm thấp càng nên đăng ký nhiều nguyện vọng. Xếp theo thứ tự ngành nào ưu tiên thì để ở nguyện vọng trên, xấp xỉ với điểm của mình.
Các chuyên gia lưu ý thí sinh, một số em dù đăng ký NV2, 3... nhưng bị một số trường ĐH yêu cầu nộp bản photo giấy chứng nhận kết quả thi và họ đã nhập tên thí sinh lên hệ thống khiến các em không thể điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh cần biết trường chỉ nhập thông tin thí sinh lên hệ thống khi có bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi. Các trường xét tuyển theo điểm thi THPTQG chỉ được công bố trúng tuyển sau 8/8/2019.
Rục rịch đón thí sinh nhập trường
Các trường ĐH đã bắt đầu lên kế hoạch đón tân sinh viên nhập trường. Như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) dành 3 ngày 26 - 28/7 để đón tân SV trúng tuyển theo hình thức xét tuyển thẳng và xét tuyển theo điểm học bạ THPT. Còn Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) thông báo dành 4 ngày từ 1 – 4/8 để đón tiếp và làm thủ tục nhập học cho tân SV. Đối với SV không có hộ khẩu thường trú tại TP Thái Nguyên, nhà trường bố trí chỗ ở cho SV tại KTX của trường với lệ phí là 100.000 đồng/tháng.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đưa “kịch bản” đón tân SV nhập học từ rất sớm với slogan: Tất cả vì một đợt nhập học tràn đầy yêu thương và ấn tượng với tân SV!
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết trong những ngày nhập học (12 -15/8/2019), trường sẽ tổ chức các “Chuyến xe tình yêu” (mỗi giờ một chuyến) đón phụ huynh và tân SV từ ga Sài Gòn, Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây về trường. Các khoa, Đoàn TNCS HCM huy động SV trợ giúp đón tân SV từ trường đưa về nhà trọ. Sau đó các khoa đưa tân SV tham quan thành phố và dự lễ nhập môn hoành tráng. Kinh nghiệm từ các năm học trước cho thấy nhiều phụ huynh và tân SV đi xe đò và đến trường khá sớm từ 1 - 2 giờ sáng. Trường phân công phòng chuyên ngành chỉ đạo đội bảo vệ đưa phụ huynh và tân SV vào khu võng SV, bật máy lạnh để phụ huynh và các em ngủ tiếp chờ trời sáng.
Sự chu đáo, kịch bản hấp dẫn về lễ đón tân SV cũng có thể coi là một kênh “chiêu sinh”, các thí sinh nhìn vào sự ưu đãi, hỗ trợ của nhà trường để lựa chọn đăng ký nguyện vọng xét tuyển.