Tuyển sinh đại học năm 2024: Bỏ chi tiết nhỏ có thể mất cơ hội lớn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù là chi tiết nhỏ, nhưng nếu thí sinh không chuẩn chỉ, chu đáo, rất có thể sẽ mất cơ hội trúng tuyển vào trường đại học mình mong muốn.

Hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 17/3. Ảnh: TG
Hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 17/3. Ảnh: TG

Sai sót khi nhập dữ liệu

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều thí sinh gặp sai sót ở nội dung về chế độ ưu tiên. Chẳng hạn, có thí sinh khai sai thông tin về ưu tiên khu vực hoặc đối tượng. Ngoài ra, nhiều em không đăng ký xét tuyển đúng thời gian quy định và chọn không đúng nguồn dữ liệu xét tuyển.

Ở những mùa tuyển sinh trước, không ít trường hợp sai sót khi nhập dữ liệu lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) dẫn đến thông tin trúng tuyển sớm của thí sinh chưa có trên Hệ thống, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) nêu thực tế.

Vì thế, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên Hệ thống, thí sinh cần lưu ý: Điền đúng và đầy đủ thông tin vì nếu không chuẩn dẫn đến sai sót, ảnh hưởng kết quả trúng tuyển sau này. “Thay vì xem trên Hệ thống, thí sinh nên in danh sách các nguyện vọng xét tuyển để rà soát, kiểm tra cho chính xác trước khi thực hiện thao tác cuối cùng của quy trình đăng ký xét tuyển trên Hệ thống”, PGS.TS Bùi Đức Triệu khuyến nghị.

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tổ chức tại ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều thí sinh băn khoăn: Nếu được cơ sở đào tạo thông báo trúng tuyển sớm thì khi đăng ký xét tuyển trên Hệ thống có phải đặt ngành này là nguyện vọng 1 không? Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, trên Hệ thống, thí sinh chỉ cần quan tâm tới nguyên tắc: Ngành nào thích nhất đặt lên trước. Do đó, trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành yêu thích nhất, thí sinh có thể xếp sau.

Năm nay, thí sinh tiếp tục được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Do đó, các em không nên đăng ký một hoặc một vài nguyện vọng vì sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển. Ngoài ra, thí sinh không nên đặt tất cả nguyện vọng của mình vào tốp những ngành, trường có mức độ cạnh tranh quá cao vì dễ bị rủi ro.

“Thí sinh cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Chúng tôi từng gặp trường hợp đăng ký hơn 100 nguyện vọng, rất lãng phí và không cần thiết. Thay vào đó, các em nên chia nguyện vọng thành các nhóm: Trường tốp đầu, trung - phù hợp với năng lực thì cơ hội trúng tuyển cao hơn”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy tư vấn.

Phụ huynh đặt câu hỏi tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp ngày 17/3. Ảnh: TG

Phụ huynh đặt câu hỏi tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp ngày 17/3. Ảnh: TG

Không thoát Hệ thống giữa chừng

Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh phải làm quen với thao tác trực tuyến. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý, các em thực hiện hết quy trình từ đầu đến cuối, không dừng lại và thoát ra giữa chừng, vì lúc này các thao tác chưa được ghi nhận. Chỉ khi thực hiện hết quy trình, hệ thống mới báo những nguyện vọng này đã được xác nhận.

Khi thực hiện đổi nguyện vọng cũng phải chú ý thực hiện đúng, đủ quy trình và hoàn thành các thao tác đến bước cuối cùng. “Theo ghi nhận từ các mùa tuyển sinh trước, có thí sinh đã điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng nhưng lại không thực hiện đến bước cuối cùng, do đó Hệ thống không ghi nhận sự thay đổi mà quay trở lại nguyện vọng đăng ký trước”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nêu thực trạng.

Bên cạnh đó, một số thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT rất cao nên chủ quan đăng ký một nguyện vọng vào trường tốp đầu và tự tin mình sẽ trúng tuyển. Tuy nhiên, các em không đọc kỹ Đề án tuyển sinh của trường - yêu cầu những tiêu chí phụ hoặc thí sinh phải trải qua sơ tuyển. Vì chưa đáp ứng điều kiện này nên thí sinh không những không trúng tuyển trường yêu thích, mà còn mất luôn cơ hội vào các trường đại học khác. Do đó, chúng ta không nên “bỏ trứng vào một giỏ” mà nên dàn trải “danh mục đầu tư nguyện vọng” để giảm thiểu rủi ro.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, tuyển sinh đại học năm 2024, thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng theo ngành/trường, không cần đăng ký theo phương thức, tổ hợp xét tuyển. Thí sinh nhớ cập nhật lên Hệ thống tất cả dữ liệu có thể phục vụ cho việc xét tuyển như: Điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ GD&ĐT ban hành.

Kể cả những nguyện vọng đã trúng tuyển khi xét tuyển sớm, thí sinh vẫn phải đăng ký lên Hệ thống và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký mới hợp lệ. Hệ thống chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Vì thế, cần sắp xếp thứ tự đặt nguyện vọng mình yêu thích lên trên. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, Hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.

Để tránh những sai lầm đáng tiếc, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) khuyến cáo, khi đặt nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần phân tích phổ điểm những năm gần đây của các trường và chia nguyện vọng thành 3 nhóm: Cao hơn điểm của mình, ngang bằng và thấp hơn, để đảm bảo an toàn. Các em nên mạnh dạn đặt nguyện vọng yêu thích nhất lên vị trí trên cùng (nguyện vọng 1).

Nhiều thí sinh đặt câu hỏi: Nếu đã trúng tuyển sớm, đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm đó ở vị trí thứ 10, trong khi 9 nguyện vọng đầu đều trượt thì nguyện vọng 10 có được tính hay không? PGS.TS Nguyễn Phú Khánh khẳng định, dù thí sinh có đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm ở vị trí thứ 100 và bị trượt 99 nguyện vọng đầu thì cũng chắc chắn trúng tuyển.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh khuyên thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường. Các em nên chọn ngành yêu thích. Bên cạnh đó, chọn ngành có năng khiếu, năng lực; đồng thời xem xét cơ hội phát triển của ngành đó ở thị trường hiện tại ra sao.

“Trên thị trường có nhiều ngành nghề khác nhau nhưng không phải cứ ngành “hot” thì cơ hội phát triển sẽ tốt hơn các ngành khác. Nếu chọn những ngành khó, “hóc búa” hơn và ít người theo đuổi nhưng các em là chuyên gia trong lĩnh vực đó thì cơ hội phát triển rất lớn”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh gợi mở.

Từng gặp nhiều thí sinh chưa biết thích gì, chọn gì, dù đã ở giai đoạn “nước rút” đăng ký nguyện vọng xét tuyển, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa nhìn nhận, có thể các em không đam mê nhưng nên có mục đích sống. Khi đã xác định được các em có thể chọn ngành nghề mà thời điểm đó thấy phù hợp nhất.

“Ngành nghề các em thích bây giờ nhưng chưa chắc 3 năm sau còn thích, chúng ta không thể khẳng định rằng ngành nghề đó bất biến. Quan trọng nhất là các em có phương pháp tư duy, tự học và mục đích sống rõ ràng. Việc chọn ngành nghề có thể chưa đúng sở thích của mình, nhưng có thể điều chỉnh được”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh trao đổi và viện dẫn, một nghiên cứu ở Đại học Harvard (Mỹ) khảo sát trên 30 nghìn người cho thấy, sự thành công của họ có đến 85% là thái độ, kỹ năng; 15% về chuyên môn, chuyên ngành.

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, trong xu hướng liên ngành, nếu các em có thái độ, kỹ năng tốt thì dù làm ở ngành nào cũng có cơ hội phát triển. Nếu chẳng may chọn ngành sai nhưng biết trau dồi kiến thức, kỹ năng, vẫn có thể thích ứng và thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ