Đa dạng ngành đào tạo, linh hoạt phương thức xét tuyển
Năm 2025, Đại học Thái Nguyên tuyển sinh 18.470 chỉ tiêu với 121 ngành, 165 chương trình đào tạo đại học và 21 ngành trình độ cao đẳng với 1.120 chỉ tiêu.
Thông qua 6 phương thức xét tuyển bao gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ; xét kết quả thi đánh giá đầu vào (V-SAT-TNU); xét kết quả thi đánh giá năng lực từ các đại học lớn; và kết hợp điểm thi/học bạ với thi năng khiếu.
Cùng với phương thức xét tuyển linh hoạt, Đại học Thái Nguyên đang tập trung phát triển các ngành đào tạo mới phù hợp xu hướng xã hội. Năm 2025, Đại học Thái Nguyên vẫn tiếp tục tuyển sinh các ngành mới mở từ 2024 như Công nghệ Tài chính, Quốc tế học, Kỹ thuật Robot, Công nghệ bán dẫn, Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành Sư phạm tiếng Mông và ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Mô hình đào tạo liên ngành giúp sinh viên mở rộng kiến thức, tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường lao động.

TS Đặng Danh Hoằng - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cho biết: “Năm 2025, nhà trường tuyển sinh 3.250 chỉ tiêu cho 21 ngành đào tạo.
Trường áp dụng 4 phương thức xét tuyển gồm: tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, xét kết quả học bạ THPT và kết quả bài thi đánh giá đầu vào đại học (VSAT) trên máy tính.
Ngoài ra, nhà trường cũng mở thêm ngành Kỹ thuật điện, điện tử và đẩy mạnh các ngày hội STEM, chương trình STEM & English Festival để các học sinh tiếp cận với giáo dục stem và Tiếng Anh nhằm phát huy thế mạnh trường đại học có các ngành kỹ thuật thuộc lĩnh vực trên.”
Cơ hội học tập quốc tế và môi trường hiện đại
Tại Đại học Thái Nguyên, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn mà còn được trải nghiệm một môi trường học tập năng động, hiện đại với nhiều cơ hội giao lưu và hội nhập quốc tế.
Các chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng mở, gắn kết thực tiễn và chuẩn hóa theo tiêu chí quốc tế, giúp sinh viên tự tin bước ra thị trường lao động toàn cầu.

PGS.TS Hà Xuân Linh - Trưởng Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên cho biết: Năm 2025, Khoa Quốc tế tuyển sinh 8 chuyên ngành, trong đó có ngành Ngôn ngữ Anh mới mở với 100 chỉ tiêu. Học tại Khoa Quốc tế sinh viên cũng được tham gia các chương trình trao đổi giao lưu với sinh viên quốc tế đến từ các nước thông qua các chương trình học bổng trao đổi thực tập nghề nghiệp IAESTE mà Khoa Quốc tế là đại diện tại Việt Nam, học bổng Erasmus+…
Vừa tốt nghiệp THPT năm 2025, em Vũ Thị Ngọc Mai (Trường THPT Nguyễn Huệ, Thái Nguyên) đang tìm hiểu và lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân.
Trao đổi với phóng viên, em Vũ Thị Ngọc Mai cho biết: “ Em muốn đăng ký và lựa chọn theo học ngành ngôn ngữ Trung Quốc. Bởi đây là ngành học có cơ hội việc làm rộng mở.
Cũng theo Ngọc Mai, với môi trường học tập năng động, cơ sở vật chất tốt cùng sự quan tâm của các thầy cô em tin Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên sẽ là nơi chắp cánh ước mơ học tập và rèn luyện của em.
Ngày 21/7/2025, Đại học Thái Nguyên ban hành Thông báo số 3760/TB-Đại học Thái Nguyên về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2025 và quy đổi điểm thi đánh giá năng lực đầu vào trên máy tính (V-SAT) theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào áp dụng cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và phương thức sử dụng kết quả V-SAT (đã quy đổi, bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng nếu có) quy định như sau: mức tối thiểu 15,00 điểm áp dụng cho phần lớn các ngành, chương trình đào tạo; riêng các chương trình Vi mạch bán dẫn, Công nghệ Điện tử, bán dẫn và vi mạch, Công nghệ bán dẫn yêu cầu mức tối thiểu 24,00 điểm, đồng thời điểm môn Toán phải đạt từ 8,00 trở lên.
Đối với ngành Luật và Luật Kinh tế, mức điểm tối thiểu là 18,00, kèm theo điều kiện điểm môn Toán và Ngữ văn, hoặc một trong hai môn này phải đạt từ 6,00 điểm.