Thống kê từ Sở này cho thấy, giáo viên Toán, Tiếng Anh, Hóa học ở các trường THPT danh tiếng vẫn là những vị trí có tỷ lệ chọi cao như mọi năm.
"Chọi" cao ở các trường "điểm", nội thành
Năm học 2020 - 2021, năm thứ 3 TPHCM tuyển dụng giáo viên không có hộ khẩu TP, nhằm mở rộng nguồn tuyển và nâng chất lượng đội ngũ. Tuy nhiên, có một thực tế chưa thể cân bằng là, lực lượng ứng viên vẫn đổ dồn về dự tuyển tại các trường điểm danh tiếng. Trong khi đó, nhiều đơn vị xa trung tâm, quận huyện ngoại thành, tỷ lệ ứng viên dự tuyển khá thấp.
Các trường có nhu cầu lớn về tuyển dụng giáo viên bậc trung học năm học này gồm: Trường THPT Bình Chiểu, quận Thủ Đức (27 chỉ tiêu với 90 ứng viên), THPT Lương Thế Vinh, Quận 1 (48 ứng viên/20 chỉ tiêu), THPT Nguyễn Du, Quận 10 (14 chỉ tiêu với 75 ứng viên), THPT Linh Trung, quận Thủ Đức (23 chỉ tiêu, có 105 ứng viên).
Số đông ứng viên dự tuyển các môn Toán, Lý, Hóa. Đơn cử, Trường THPT Bình Chiểu có 30/90 ứng viên dự vào vị trí giáo viên môn Toán, 14 người dự tuyển giáo viên môn Vật lý. Trường THPT Lương Thế Vinh có 48 ứng viên dự tuyển, trong đó có 17 hồ sơ đăng ký vị trí giáo viên môn Toán, 12 ứng viên môn Hóa. Trường THPT Linh Trung có 34 ứng viên dự tuyển giáo viên môn Hóa, 15 ứng viên dự tuyển vị trí giáo viên Ngữ văn và 22 ứng viên chia đều cho vị trí giáo viên Toán và Lịch sử.
Thống kê tại một số trường có tiếng tại TPHCM và ở một vài môn cụ thể cho thấy tỷ lệ "chọi" dự tuyển khá cao, như môn Giáo dục công dân tại Trường THPT Nguyễn Du (9 lấy 1) hay môn Hóa học tại Trường THPT Linh Trung (34 lấy 4). Còn tính bình quân số lượng giữa ứng viên đủ điều kiện 1.294 và nhu cầu tuyển dụng 514, tỷ lệ cạnh tranh xấp xỉ 1 "chọi" 2,6.
Theo NGƯT Cao Đức Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Thực nghiệm Tây Ninh, nhìn một cách tổng thể, nguồn tuyển trên vẫn chưa thực sự dồi dào. Bởi việc dự tuyển thi viên chức ngành giáo dục TPHCM xét diện rộng có rất nhiều nguồn như: Giáo viên tự do, giáo viên đang dạy tại đơn vị tư thục hay thỉnh giảng tại trung tâm và tỉnh thành lân cận. "Ứng viên đổ dồn về dự tuyển ở trường danh tiếng của TP như THPT Nguyễn Du, THPT Lương Thế Vinh… là nhu cầu tự thân, bởi ai cũng muốn có vị trí công tác tại đơn vị thứ hạng"- NGƯT Cao Đức Hòa đánh giá.
Vẫn khát giáo viên tiểu học, mầm non
Trái ngược với tình trạng tạm ổn về nguồn tuyển giáo viên trung học, việc tuyển dụng giáo viên mầm non và tiểu học tại TPHCM lại hết sức trầy trật.
Năm học 2020 - 2021, quận Thủ Đức cần tuyển 664 chỉ tiêu. Trong đó, 96 chỉ tiêu giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học tuyển 287 chỉ tiêu, giáo viên THCS tuyển 225 chỉ tiêu, vị trí nhân viên cần tuyển 49 người.
Tương tự nhu cầu tuyển viên chức ngành Giáo dục năm học 2020 - 2021 của quận Tân Phú là 238 viên chức. THCS có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất với 110 chỉ tiêu - 86 giáo viên, kế đến là tiểu học cần 108 viên chức - với 90 giáo viên.
Quận 9 cũng có nhu cầu tuyển viên chức năm học 2020 - 2021 khủng với 348 chỉ tiêu giáo viên và 56 nhân viên. Trong đó, 45 chỉ tiêu cho giáo viên mầm non, còn lại là bậc tiểu học và THCS. Nhu cầu cao nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 9, số hồ sơ tới thời điểm này phòng giáo dục nhận được mới chỉ là 336 hồ sơ đăng ký.
Với cơ chế tuyển dụng mở, TPHCM được đánh giá sẽ có được nguồn tuyển dồi dào. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học lạc Long Quân, Quận 11, TP vẫn khó tránh khỏi tình trạng thiếu hụt giáo viên cục bộ, nhất là ở các môn học có tính đặc thù và yêu cầu tuyển chọn cao như giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật ở bậc tiểu học.
Năm học 2020 - 2021 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học. Ghi nhận thực tế tại các quận, huyện của TPHCM cho thấy lo ngại lớn nhất của các trường chính là việc khó tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh.
Nhiều quận, huyện như Quận 1, Quận 9, Thủ Đức và Nhà Bè dù liên tục ra thông báo tuyển dụng và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhưng việc tuyển dụng ứng viên dạy môn Tiếng Anh đạt chuẩn vẫn khó như "đếm sao trời". Hồ sơ nộp vào vị trí này nhiều nơi không có, lấy gì… "chọi".
Nhìn nhận khó khăn và vướng mắc trên, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Theo quy định, giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học phải có bằng cử nhân sư phạm mới đủ điều kiện giảng dạy. Mặt khác, hiện đang thiếu và chưa có quy định vị trí việc làm giáo viên tiếng Anh, Tin học trong đề án (thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới) khiến các trường gặp khó trong tuyển dụng, vì Tiếng Anh lâu nay là môn học tự chọn tại bậc học này.